Theo nữ giáo sư Agnès Levallois thuộc Học viện Chính trị (Sciences Po) Paris - Pháp, sự kiện lực lượng Iraq giải phóng TP Mosul khỏi ách Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hôm 9-7 không có nghĩa là đã đặt dấu chấm hết cho tổ chức này.
Vị nữ chuyên gia về Trung Đông phân tích: "Ngay cả khi Raqqa - thành trì thứ hai của IS ở Syria - thất thủ, cũng chưa thể tuyên bố đó là ngày tàn của IS chừng nào "đất sống" của tổ chức khủng bố này chưa được xử lý rốt ráo".
Ác giả ác báo
Người ta nói quá nhiều về tội ác của IS, coi tổ chức này như cỏ dại, chỉ cần nhổ tận gốc là xong. Đó là một sự so sánh khập khiễng vì chưa hiểu hết nguồn gốc của nó. Sở dĩ IS có đất sống vì nó không phải là nguồn gốc của cái ác mà là hệ quả của lịch sử xung đột xã hội, tôn giáo và chính trị có từ thời xa xưa.
Hàng trăm người tình nghi là chiến binh IS bị quân đội Iraq giam trong một nhà tù tạm bợ ở miền Nam Mosul Ảnh: AP
Đâu là nguồn gốc của cái ác tạo đất sống cho IS? Ở Iraq, đó là cuộc xâm lăng của Mỹ năm 2003 và xung đột quyền lực giữa tín đồ Hồi giáo dòng Shiite với dòng Sunni.
Đối với tín đồ dòng Shiite, đó là mối hận bị tín đồ Hồi giáo dòng Sunni áp bức suốt một thời gian dài xảy ra từ thời Đế quốc Ottoman (1299-1923), dưới thời ủy trị Anh quốc và gần đây nhất là dưới thời Saddam Hussein khi Iran dùng vũ khí hóa học tấn công Karbala năm 1991. Lúc đó, Mỹ dùng lá bài Hussein để chống lại Iran.
12 năm sau, đến lượt người Sunni ôm hận vì Mỹ trở cờ đánh chiếm Iraq của Saddam Hussein, lập ra một chính quyền Shiite đàn áp thẳng tay người Sunni. Thế là người Sunni trở thành miếng mồi ngon của IS. Bởi vậy, không lạ gì thái độ hồ hởi, phấn khởi đón "giải phóng quân" IS của người dân Fallujah và Mosul - vốn đa số thuộc dòng Sunni, sống khổ sở dưới ách chính quyền thủ tướng Nouri al-Maliki (2006-2014) thuộc Đảng Shiite Dawa Hồi giáo - cách đây 3 năm, khi IS tiến vào 2 thành phố này. Cái vòng luẩn quẩn "nợ máu phải trả bằng máu" cứ xoay vòng.
Lực lượng vũ trang IS không giống quân đội truyền thống nên không thể xóa sạch một cách dễ dàng. Ở một số nơi, IS vẫn được người địa phương ủng hộ. Cái gốc của nó bắt rễ sâu xa như vậy nên khi Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố "Vương quốc Hồi giáo" của IS đã cáo chung sau khi Mosul thất thủ, hầu hết các chuyên gia chống khủng bố đều cho rằng ông lạc quan tếu.
Tóm lại, theo GS Levallois, tổ chức ôm tham vọng lập ra một "Vương quốc Hồi giáo" mang tên IS sống được không phải nhờ những chiến binh cực đoan, nhờ từng được nước ngoài tài trợ hay vì có những thanh niên phương Tây "hận đời" mà là do hệ quả của lịch sử như đã nêu trên.
Lại đánh bom liều chết?
Nhà báo Stanley Johny của nhật báo Ấn Độ The Hindu cũng có nhận định tương tự. Ông đưa ra 3 lý do để bảo vệ quan điểm của mình.
Thứ nhất, mặc dù mất hơn phân nửa lãnh thổ và thành trì Mosul, IS vẫn còn kiểm soát nhiều khu vực chiến lược ở Iraq như Hawijah (chiếm năm 2013) - một thành phố nằm trong vùng núi non hiểm trở. Lực lượng đặc nhiệm Iraq từng tấn công vào đây mấy lần nhưng không thành công.
IS vẫn còn kiểm soát TP Tal Afar, tỉnh Salahuddin cũng như một số khu vực ở Anbar và Diyala của Iraq. Ở Syria, "thủ đô" Raqqa chưa thất thủ còn Deir Ezzor, thành phố lớn nhất của miền Đông Syria, vẫn còn trong tay IS.
Thứ hai, không có gì bảo đảm IS sẽ không quay trở lại những thành phố vừa để vuột vào tay Baghdad. Thách thức lớn nhất của chính quyền trung ương là làm sao thu phục được lòng dân miền Bắc và miền Tây, nơi đông đảo tín đồ dòng Sunni sinh sống vốn không ưa chính quyền Baghdad.
Ở Syria, tình hình còn phức tạp hơn nhiều. Quân đội Syria và quân nổi dậy SDF cùng tấn công IS ở Raqqa. Quân Syria được Nga hậu thuẫn, còn quân SDF được Mỹ chống lưng. Nếu Raqqa thất thủ, "ai sẽ cai trị" trở thành một vấn đề nan giải.
Rất khó cho SDF và Syria đồng thuận về chuyện này. Hơn nữa, nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ vốn nghi ngại SDF do người Kurd lãnh đạo cũng sẽ có ý kiến. Nếu tình trạng rối rắm này kéo dài, IS có thể quay trở lại.
Thứ ba, IS vốn là một phong trào du kích. Âm mưu thành lập "Vương quốc Hồi giáo" không thành, họ sẽ trở lại với chiến thuật đánh du kích trong thành phố với đội quân đánh bom liều chết khét tiếng, rất khó đối phó. Bài học Taliban ở Afghanistan vẫn còn nóng sốt. Kabul, thủ đô Afghanistan, thất thủ vào tay Mỹ năm 2001.
Thủ lĩnh một mắt Mullah Omar chết trong lúc trốn tránh bom địa chấn Mỹ. Vậy Taliban đã bị đánh bại hoàn toàn chưa? Chắc chắn là chưa.
Al-Qaeda thì sao? Sau khi Taliban bị đánh chạy thì al-Qaeda cũng chạy trốn vào vùng núi biên giới Afghanistan - Pakistan. Thủ lĩnh Osama bin Laden bị Mỹ giết khi ẩn náu ở Pakistan. Thế nhưng, al-Qaeda đã trở lại nguy hiểm như xưa ở châu Phi, Syria và Yemen. Al-Qaeda cũng từng thất bại ở Iraq nhưng sau đó xuất hiện trở lại với danh xưng IS, tàn ác và nguy hiểm hơn gấp bội.
Trả thù tàn nhẫn
Theo nhật báo Anh The Telegragh số ra ngày 19-7, nhiều video clip và hình ảnh xuất hiện gần đây cho thấy quân đội Iraq đối xử tàn nhẫn với người dân Mosul sau khi tái chiếm thành phố này từ tay IS. Đầu tiên là hình ảnh thi thể người dân Mosul bị bịt mắt và trói tay sau lưng nằm bên vệ đường ở nhiều khu phố. Kế đó là cảnh thanh niên bị còng tay và bị đánh bằng roi nơi công cộng.
Trong một đoạn video ngắn, người xem thấy binh lính Iraq đẩy những thanh niên tình nghi là IS ra vách đá, xô họ xuống rồi bắn chết. Ngoài ra, còn có ảnh chụp hàng trăm thanh thiếu niên bị lèn chặt như cá mòi trong tư thế ngồi xổm tại một nhà giam tạm bợ hầu như không có lỗ thông hơi.
Bình luận (0)