Ảnh hưởng của nhóm thánh chiến tàn bạo Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể đang lan sang Đông Nam Á và Trung Quốc bất chấp sự chống cự mạnh mẽ của các chính phủ ở đó.
Mỹ lôi kéo Trung Quốc
Cảnh báo trên được đưa ra sau khi giới chức an ninh Malaysia phát hiện 4 nhóm khủng bố mới có mục tiêu tương tự IS và có thể gia nhập nhóm này để chiếm các phần đất của Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia nhằm thành lập cái gọi là một đế chế “siêu” Hồi giáo cai trị cả Đông Nam Á.
Ngoài IS, 4 tổ chức được xác định với tên viết tắt BKAW, BAJ, Dimzia và ADI còn liên hệ mật thiết các nhóm tương tự ở khu vực Đông Nam Á.
Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp các nhà lãnh đạo quốc hội để bàn về mối đe dọa của IS hôm 9-9
Ảnh: REUTERS
Theo báo New Straits Times (Malaysia), IS đang ráo riết chiêu mộ thành viên mới, đặc biệt là những chiến binh trẻ tuổi từ Malaysia thông qua Facebook và các mạng xã hội cũng như diễn đàn tôn giáo.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak khẳng định đất nước với cộng đồng người Hồi giáo chiếm đa số này đang nỗ lực hợp tác với quốc tế nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của các tổ chức Hồi giáo cực đoan. Ông tuyên bố IS “không xứng đáng với người Hồi giáo”.
Đặc phái viên Trung Quốc tại Trung Đông Wu Sike cũng nhấn mạnh IS có thể đã chiêu mộ khoảng 100 công dân nước này, đa số xuất thân từ khu tự trị Tân Cương bất ổn vốn đang khiến Bắc Kinh đặc biệt quan ngại.
Theo báo Washington Post (Mỹ), trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Bắc Kinh vừa kết thúc hôm 9-9, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Barack Obama, bà Susan Rice, đã hối thúc Trung Quốc hỗ trợ đối phó IS. Dù chưa nhận được cam kết nào từ Trung Quốc nhưng theo một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ, Bắc Kinh “tỏ ra quan tâm” tới đề nghị này.
Washington “cần bắt tay Tehran”
Ngoài Trung Quốc, Mỹ còn tích cực kêu gọi các nước Trung Đông vào liên minh chống IS mà nỗ lực mới nhất đến từ chuyến công du Iraq của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong ngày 10-9. Ông Kerry sau đó còn dự kiến thăm một số đồng minh khác tại khu vực, trong đó có Ả Rập Saudi và Jordan, để tìm kiếm sự ủng hộ về quân sự, chính trị và tài chính cho chiến dịch chống IS.
Tuy nhiên, đã xuất hiện nhận định nỗ lực trên có thể là chưa đủ nếu Mỹ muốn đánh bại IS. Trang tin tức Washington Free Beacon hôm 9-9 dẫn lời cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Douglas Ollivant nhận định Washington cần hợp tác với cả Tehran.
Vị cố vấn từng phục vụ 2 chính quyền Tổng thống Barack Obama và George W. Bush cho rằng Mỹ nên chào đón Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) vào liên minh chống IS. “Mỹ có thể cung cấp thông tin tình báo, hỗ trợ không quân cũng như các trợ giúp quân sự khác cho Iran - vốn đang phái lực lượng tới Iraq - nhằm giúp tiêu diệt IS” - ông Ollivant gợi ý.
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, gói viện trợ vũ khí trị giá 2,6 triệu USD của Anh cho lực lượng chiến binh người Kurd đang giao chiến với IS, gồm súng máy hạng nặng và đạn dược, đã tới Iraq hôm 10-9.
Thế nhưng, giới chức tình báo Mỹ đang chỉ trích các biện pháp chống khủng bố mới của Thủ tướng Anh David Cameron. Theo đó, chính sách tịch thu hộ chiếu của các nghi can khủng bố và ngăn những phần tử cực đoan về nước của London bị cho là sẽ làm mất những thông tin tình báo quan trọng.
Trong khi đó, giới chức Úc đang cân nhắc nâng báo động khủng bố lên mức cao do sự tham gia của công dân nước này vào các nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan ở Syria và Iraq. Trong ngày 10-9, cảnh sát Úc đã bắt giữ 2 người đàn ông với cáo buộc chuẩn bị chiến đấu ở Syria, tuyển mộ chiến binh thánh chiến và quyên tiền cho một chi nhánh al-Qaeda.
5 câu hỏi cho ông Obama
Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến tập trung vào 3 chủ đề chính khi đọc bài diễn văn về chiến lược chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vào lúc 21 giờ ngày 10-9 (giờ địa phương). Đó là trình bày mối đe dọa do IS gây ra, vạch chiến lược đối phó và chia sẻ những đề xuất mới về cách đương đầu và tiêu diệt IS.
Đài CNN nhận định với bài diễn văn trên, Tổng thống Obama có cơ hội xác định rõ những kế hoạch mà ông đã vạch ra, chẳng hạn thành lập liên minh quốc tế bao gồm các nước đối tác Ả Rập trong khu vực. Trong khi đó, báo The New York Times tiết lộ ông Obama đã sẵn sàng cho phép tiến hành các cuộc không kích nhằm vào IS bên trong lãnh thổ Syria.
Ông Brian Katulis, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Vì sự tiến bộ của Mỹ, cho rằng Tổng thống Obama cần trả lời thỏa đáng 5 thắc mắc then chốt đối với chiến dịch tiêu diệt IS trong thời gian tới.
Cụ thể: 1/Mỹ sẽ sử dụng tiêu chí nào để đo lường mức độ thành công của các cuộc không kích ở Iraq và có thể ở Syria sau này? 2/Tổng thống Obama sẽ điều hành ra sao liên minh quốc tế và khu vực mà ông đang tìm cách thành lập? 3/Kế hoạch dự phòng là gì nếu chính phủ Iraq không đạt được tiến bộ trong việc đối phó với IS? 4/Kế hoạch mới để ủng hộ các lực lượng đối lập Syria chống lại IS và chế độ Bashar Al-Assad là gì? 5/Bằng cách nào liên minh quốc tế và khu vực có thể giải quyết hiệu quả hơn cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria, Iraq và các nước láng giềng?
Một ngày trước khi đọc diễn văn, Tổng thống Obama đã hội ý tại Nhà Trắng trong hơn 1 giờ với lãnh đạo lưỡng viện quốc hội. Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh ông có quyền thực hiện chiến lược chống IS không cần quốc hội thông qua nhưng ông yêu cầu quốc hội ủng hộ để cho thấy nước Mỹ đoàn kết.
Chủ tịch Hạ viện John Boehner khẳng định sẽ ủng hộ việc triển khai quân đội để huấn luyện và cố vấn cho lực lượng Iraq cũng như hỗ trợ việc tiêu diệt các thủ lĩnh IS.
Lục San
Bình luận (0)