Giới chức Lầu Năm Góc hôm 23-9 cho biết đợt không kích đầu tiên ở Syria đã gây tổn thất đáng kể cho các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Sự hợp tác bất ngờ
Mỹ cho biết hơn 160 tên lửa và quả bom đã vô hiệu hóa những hạ tầng mà nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nhóm Khorasan có liên hệ với Al-Qaeda sử dụng. Nhiều quan chức Mỹ tin rằng một số thủ lĩnh của IS và Khorasan đã thiệt mạng khi trại huấn luyện và tổng hành dinh của 2 nhóm này trúng bom.
Theo Washington, chiến dịch không kích sẽ tiếp diễn trong những ngày tới nhưng quy mô có thể nhỏ hơn ngày đầu tiên. Báo The Wall Street Journal đưa tin Washington không công bố ước tính về thương vong nhưng người dân địa phương nói nhiều người đã thiệt mạng, trong đó có cả thường dân.
Trên mặt trận ngoại giao, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power đã gửi thư cho Tổng Thư ký Ban Ki-moon hôm 23-9 biện hộ lý do Mỹ không kích IS trong lãnh thổ Syria là chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad không thể và sẽ không đối phó hiệu quả với nhóm này. Ngoài ra, theo bà Power, cần thiết phải không kích để loại bỏ mối đe dọa nhằm vào Iraq, Mỹ và các đồng minh.
Cùng ngày, bên lề các hội nghị của Liên Hiệp Quốc tại TP New York, Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp đại diện 5 nước Ả Rập tham gia không kích IS ở Syria để thu hút thêm những nước còn do dự gia nhập liên minh. “Sự tham gia của các nước Ả Rập có thể xua tan suy nghĩ rằng đây chỉ là cuộc chiến của phương Tây” - bà Kathleen Hicks, Phó Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), nhận định.
Động thái này cũng mang tầm quan trọng về địa chính trị và nhằm phủ nhận lập luận của IS rằng họ đang có chiến tranh với phương Tây. Sau đợt không kích trên, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước đầu tiên cho biết sẵn sàng hỗ trợ về mặt quân sự và hậu cần dù vẫn không cho phép sử dụng không phận để tiến hành các vụ không kích. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ít nhất 54 nước cam kết góp sức chống IS.
Rủi ro chính trị
Giới phân tích cho rằng ông Obama đã ghi điểm khi lôi kéo được các nước Ả Rập giữa lúc có những chỉ trích ông chưa hành động đủ mạnh để tiêu diệt các nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan. Dù vậy, Reuters cho rằng vẫn còn quá sớm để biết liên minh này có thể duy trì đủ lâu để hoàn thành sứ mệnh mà ông chủ Nhà Trắng thừa nhận có thể kéo dài nhiều năm và đối mặt không ít khó khăn.
Edward Djerejian, Giám đốc Viện Baker thuộc Trường ĐH Rice (Mỹ), nhận định: “Mối đe dọa chung giúp tổng thống (Obama) tập hợp được một liên minh rộng lớn. Câu hỏi lúc này là liên minh sẽ gắn kết mạnh mẽ đến đâu và trong bao lâu”.
Cũng theo Reuters, ông Obama còn đối mặt không ít rủi ro chính trị trong và ngoài nước khi ra lệnh không kích IS ở Syria. Nếu sứ mệnh gặp bất kỳ rắc rối nào, Đảng Dân chủ có thể bị những cử tri phản chiến trừng phạt và đối diện nguy cơ mất quyền kiểm soát cả thượng viện trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11. Chưa hết, tỉ lệ ủng hộ đang trồi sụt ở mức 40% của ông Obama có thể tiếp tục sụt giảm.
Về mặt đối ngoại, tổng thống Mỹ phải tìm cách ngăn ông Assad hưởng lợi từ việc không kích IS trong lúc bảo đảm Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi thành lập một chính phủ có cả người Sunni, một bước đi được xem là có lợi cho chiến dịch tấn công IS về lâu dài. Quan trọng hơn cả, Washington cần giúp cho phe nổi dậy ôn hòa ở Syria đủ sức đánh bại IS theo sau các cuộc không kích.
Không dễ để ông Obama đạt được những mục tiêu nói trên, nhất là khi báo Independent (Anh) nhận định chế độ ông Assad đang hưởng lợi về chính trị và quân sự từ chiến dịch không kích của Mỹ.
Theo bài viết, ông Assad giờ đây có thể hy vọng Mỹ, Nga, Trung Quốc, Iran, phong trào Hezbollah ở Lebanon, Jordan và một loạt quốc gia giàu có ở vùng Vịnh giúp chính quyền của ông tồn tại. Vì thế, tạp chí Politico kêu gọi ông Obama cần không kích cả chế độ của ông Assad.
Thủ lĩnh Khorasan bỏ mạng?
Mỹ tận dụng các cuộc không kích IS ở Syria để tấn công cả nhóm Khorasan bị Nhà Trắng cáo buộc đang âm mưu tấn công các mục tiêu của Mỹ hoặc châu Âu trong nay mai.
Giới chức Mỹ cho biết âm mưu của Khorasan đang tiến gần giai đoạn thực thi, buộc họ phải ra tay dập tắt mối đe dọa hiện hữu này. Họ cũng bày tỏ hy vọng các cuộc không kích đã tiêu diệt được Muhsin al-Fadhli, thủ lĩnh của Khorasan và từng là phụ tá thân cận của trùm khủng bố Osama bin Laden nhưng hiện chưa có sự xác nhận chính thức nào.
Tuy nhiên, Reuters cho biết trên mạng xã hội đã xuất hiện những bài viết “tiếc thương cái chết của Fadhli” sau các vụ không kích ở miền Tây Bắc Syria.
Bình luận (0)