Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hôm 13-9 tiếp tục tung ra video chặt đầu con tin. Nạn nhân lần này là David Haines - một người Scotland 44 tuổi, bị bắt cóc năm 2013 khi đang làm việc cho tổ chức cứu trợ quốc tế ACTED.
Trong đoạn video có tựa “Một thông điệp gửi đến đồng minh của Mỹ”, một tay súng bịt mặt tuyên bố: “Người đàn ông này sẽ phải trả giá cho việc Thủ tướng Anh David Cameron cam kết hỗ trợ Peshmerga - lực lượng dân quân người Kurd - chống lại IS”.
Kết thúc đoạn video, một con tin khác xuất hiện, được xác định là công dân người Anh Alan Henning. Kẻ bịt mặt cho hay người này sẽ bị hành quyết tiếp theo nếu Thủ tướng Cameron tiếp tục ủng hộ cuộc chiến chống lại IS.
Anh hiện triển khai máy bay quân sự tại Iraq để thu thập thông tin tình báo về IS nhằm giúp lực lượng Iraq và người Kurd trong các cuộc giao tranh với nhóm này.
Thủ tướng Cameron ngay lập tức lên án “vụ giết người hèn hạ, kinh khủng” nêu trên, đồng thời cam kết sẽ làm mọi thứ trong khả năng để săn lùng những kẻ giết người, “buộc chúng đối mặt với công lý dù có phải mất bao lâu đi nữa”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng lên án mạnh mẽ hành động sát hại con tin man rợ của IS. Ông hứa sẽ cùng các nước khác “tiêu diệt mối đe dọa đối với người dân, khu vực và thế giới”.
Trong khi đó, Pháp lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động đối phó nhóm Hồi giáo cực đoan, độc ác nhưng hèn nhát này. “Hành động giết hại dã man David Haines một lần nữa cho thấy cộng đồng quốc tế phải có hành động chống lại IS” - Tổng thống Pháp Francois Hollande nhấn mạnh.
Không lâu sau khi đoạn video nêu trên được đăng tải trên mạng, Úc trở thành nước đầu tiên công bố chi tiết về số lượng binh sĩ và máy bay tham gia liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu.
Thủ tướng Úc Tony Abbott hôm 14-9 cho biết khoảng 600 binh sĩ, 8 máy bay chiến đấu, 1 máy bay cảnh báo sớm và 1 máy bay tiếp liệu sẽ được triển khai đến một căn cứ quân sự Mỹ ở Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Nhà lãnh đạo Úc cho biết ông chưa quyết định về việc có để binh sĩ tham gia sứ mệnh chiến đấu chống lại IS hay không. Tuy nhiên, ông khẳng định không có ý định để lực lượng Úc hoạt động ở Syria.
Trong khi đó, Đức có kế hoạch gửi 40 binh lính đến Iraq để huấn luyện lực lượng Peshmerga của người Kurd. Theo hãng tin AP, các nhóm nhỏ binh sĩ sẽ đến Iraq vào cuối tháng 9 cùng với số lượng vũ khí mà Đức cam kết cung cấp cho lực lượng Peshmerga. Tuy nhiên, Đức vẫn loại trừ khả năng tham gia cuộc không kích chống lại IS do Mỹ dẫn đầu.
Thủ tướng Canada Stephen Harper cũng tuyên bố sẽ cử hàng chục binh sĩ đến Iraq trong vai trò cố vấn quân sự. Hai máy bay vận tải Canada đã lên đường chở vũ khí cho người Kurd ở Iraq.
Về phía Pháp, Tổng thống Hollande tuyên bố nước này sẵn sàng đẩy mạnh viện trợ quân sự cho Iraq và tham gia các cuộc không kích chống lại IS nếu cần thiết. Tuyên bố này được đưa ra giữa lúc có thông tin khoảng 930 công dân Pháp, trong đó ít nhất là 60 phụ nữ, đang tham gia cuộc thánh chiến tại Iraq, Syria hoặc có kế hoạch làm như thế.
Mối đe dọa không chỉ có IS
Trong lúc sự tàn bạo của nhóm IS đang thu hút sự chú ý của thế giới thì một nhóm tập hợp những phần tử cực đoan đến từ Afghanistan, Yemen, Syria và châu Âu lại được xem là mối đe dọa trực tiếp và tức thì hơn với Mỹ. Hãng tin AP dẫn lời một số quan chức Mỹ cho biết những phần tử này đang bắt tay với những kẻ chế tạo bom người Yemen để tấn công các hãng hàng không Mỹ.
Nhóm nêu trên có tên gọi là Khorasan, bao gồm những phần tử Al-Qaeda kỳ cựu được phái đến Syria để làm việc cùng lực lượng phiến quân Mặt trận al-Nusra. Tuy nhiên, nhóm này không tham gia cuộc chiến chống lại chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad mà có nhiệm vụ tuyển mộ những người châu Âu và Mỹ có hộ chiếu cho phép họ lên các chuyến bay đến Mỹ. Nguồn tin tình báo Mỹ cho biết Khorasan còn bắt tay với những kẻ chế tạo bom ở Yemen để tìm kiếm cách thức mới đưa chất nổ lên máy bay, làm dấy lên nỗi lo các chuyến bay đến Mỹ có thể là mục tiêu tấn công sắp tới.
Phương Võ
Bình luận (0)