Trước đó một ngày, không quân Iraq đã ném bom TP Baiji, nơi các tay súng ISIL chiếm nhà máy lọc dầu lớn nhất nước này. Cùng ngày, đại sứ Iraq ở Tehran, ông Mohammad Madjid al-Sheikh, nhấn mạnh chính phủ Baghdad không yêu cầu Iran trợ giúp.
Trong khi đó, ISIL đã chiếm được thêm hơn 10 thành phố, kiểm soát gần 50% Iraq. Ông Fawaz Gerges, giáo sư Bộ môn Quan hệ quốc tế Trường Kinh tế London (Anh), nhận định kẻ chiến thắng thực sự hiện nay ở Iraq là ISIL.
Người dân hô khẩu hiệu chống ISIL ở làng Taza Khormato gần TP Kirkuk - Iraq
Ảnh: AP
Theo trang tin tức World Net Daily, ISIL đã chiếm một số thị trấn nhỏ dọc biên giới Iraq - Thổ Nhĩ Kỳ và đe dọa thôn tính bên trong Thổ Nhĩ Kỳ, khiến Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen phải lên tiếng xác nhận NATO sẽ bảo vệ Ankara. Ngoài ra, đài CNN ngày 25-6 dẫn lời Ngoại trưởng Jordan Nasser Judeh bày tỏ e ngại rằng sức mạnh của các phần tử nổi dậy Iraq có thể lan rộng ra toàn khu vực.
Không dừng lại ở đó, ISIL còn hăm dọa dùng vũ khí hạt nhân để giải phóng Israel, như một phần của chiến dịch nổi dậy “Mùa xuân Hồi giáo”. ISIL ước tính sẽ mất khoảng 72 tháng để “giải phóng vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng”. Lúc đó, Tel Aviv sẽ sụp đổ nhanh chóng như Mosul, thành phố lớn thứ hai ở Iraq bị ISIL chiếm hôm 10-6. Một đơn vị đặc biệt đã được ISIL thành lập đầu năm 2013, gọi là “Al-Quds”, để tập trung tiêu diệt nhà nước Do Thái.
Từ năm 2013, ISIL đã tham gia cuộc nổi dậy chống Tổng thống Bashar al-Assad với tham vọng lợi dụng sự hỗn loạn của Syria để thành lập nhà nước Hồi giáo nằm trên biên giới Iraq - Syria. Với khoảng 10.000 - 15.000 chiến binh, mục đích cuối cùng của ISIL là xây dựng một "nhà nước Hồi giáo vĩ đại" bao trùm Lebanon, Jordan, Israel, Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Cyprus.
Trong khi đó, 130 trong số 300 cố vấn quân sự Mỹ đã đến Iraq để hỗ trợ quân đội nước này đương đầu với ISIL. Theo AP, số cố vấn Mỹ này sẽ gặp nhiều khó khăn bởi quân đội Iraq sa sút một cách đáng kinh ngạc. Trung tướng về hưu James Dubik, người từng huấn luyện quân đội Iraq năm 2007 và 2008, nhận định: “Họ có thể giúp một số đơn vị quân đội Iraq thông thạo về chiến thuật ngay lập tức nhưng không thể mang lại sức mạnh lâu dài cho lực lượng này”.
Theo ông James Dubik, người Mỹ sẽ mài sắc ngọn giáo nhưng không thay thế đội quân tàn tạ bằng một đội quân mới. Hơn nữa, các chuyên gia cho rằng khoảng cách 3 năm khiến các chuyên gia Mỹ khó thích ứng ngay với sự chia rẽ giáo phái sâu sắc ở Iraq hiện nay.
Bình luận (0)