Cuộc đình công trên liên quan đến 1.200 nhân viên ngoại giao với yêu cầu tăng lương tháng lên mức khoảng 6.000-9.000 shekel (36,5 - 54,5 triệu đồng).
Đồng thời, họ còn muốn chính phủ đền bù cho người vợ (hoặc chồng) phải bỏ việc khi họ nhận nhiệm vụ ở nước ngoài. Theo họ, khoảng 1/3 nhân viên ngoại giao đã nghỉ việc vì đồng lương thấp.
Hành động trên có thể dẫn đến việc hoãn chuyến thăm Israel của Giáo hoàng Francis đã được hoạch định vào tháng 5 tới. Đây là 1 trong số 25 chuyến thăm của các quan chức nước ngoài bị ảnh hưởng bởi hành động của các nhà ngoại giao Israel từ ngày 5-3 khi cuộc thương lượng về lương bị đổ vỡ.
Bằng hành động đình công hoàn toàn như nêu trên, sự kiện đầu tiên xảy ra kể từ khi quốc gia Israel thành lập vào năm 1948, tập thể các nhà ngoại giao nước này đã đóng cửa tất cả 102 phái bộ ngoại giao ở nước ngoài, làm tê liệt hoạt động ngoại giao với các nước khác và tại Liên Hiệp Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel, ông Yigal Palmor, cho biết: “Chúng tôi đóng cửa hoàn toàn văn phòng bộ và các phái bộ ở nước ngoài. Đây là sự kiện chưa từng xảy ra”.
Một giới chức Bộ Ngoại giao Israel khác nhấn mạnh: “Cho đến lúc này, Bộ Ngoại giao Israel không tồn tại”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman gọi cuộc đình công trên là thiếu tinh thần trách nhiệm và là một quyết định thảm hại. Ông tuyên bố: “Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để giảm thiểu thiệt hại cho đất nước và các công dân mình”.
Bình luận (0)