Kể từ ngày 10-5, Hamas - nhóm vũ trang Hồi giáo đang kiểm soát dải Gaza - đã phóng khoảng 1.200 quả rocket về phía Israel, trong khi quân đội Israel đã thực hiện hơn 350 vụ không kích nhằm vào Gaza.
Israel ngày 13-5 tiếp tục tấn công ác liệt, giết chết 11 nhân vật cấp cao của Hamas và phá sập 2 tòa nhà cao tầng chứa thiết bị của nhóm này. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho hay chỉ huy lữ đoàn Gaza City nằm trong số khoảng 30 tay súng Hamas bị tiêu diệt.
Hamas xác nhận thủ lĩnh nói trên tử trận song khẳng định sẽ không lùi bước. Hamas cùng các nhóm Hồi giáo thánh chiến đồng minh tiếp tục phóng rốc-két vào tận khu vực Tel Aviv và các thành phố đông dân cư của Israel như Ashdod, Ashkelon và Sderot. Giới chuyên gia cho rằng các nhóm Palestine có đủ rốc-két để bắn phá Israel trong 2 tháng nữa.
11 thành viên cấp cao Hamas thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel. Ảnh: IDF
Căng thẳng giữa các nhóm bùng lên khi cảnh sát chống bạo động Israel đụng độ với đám đông người Palestine tại đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem, vào ngày 8-5 (thứ sáu cuối cùng của tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo).
Kể từ đó, đã xảy ra các cuộc đụng độ hàng đêm và các cuộc biểu tình khắp Jerusalem. Các lực lượng Israel sử dụng đạn cao su, hơi cay và lựu đạn sốc để chống lại người biểu tình Palestine, khiến hàng trăm người bị thương.
Theo trang news.com.au, các lực lượng Israel cũng đang sử dụng một loại vũ khí khác, được nhiều người gọi là "bom chồn hôi", để giải tán người biểu tình. "Loại vũ khí phi sát thương" này gây khiếp sợ cho tất cả những ai từng dính phải.
Israel bắt giữ một người biểu tình Palestine trong cuộc đụng độ tại Jerusalem. Ảnh: Reuters
Những chiếc xe tải chở chất lỏng có mùi hôi, phun xịt vào các tòa nhà, đám đông người biểu tình và chúng bám vào da, tóc, quần áo của họ. Những người bị phun thuốc mô tả rằng mùi này "gớm hơn nước thải" và "giống như một hỗn hợp phân, khí độc và xác lừa đang phân hủy".
Lần đầu tiên quân đội Israel sử dụng "bom chồn hôi" để giải tán các cuộc biểu tình của người Palestine ở Bờ Tây là vào năm 2008. Kể từ đó, "bom chồn hôi" là phương thức hữu hiệu của quân đội để giải tán những người biểu tình.
Những người tạo ra "bom chồn hôi" khẳng định vũ khí này không gây chết người và không độc hại. Các hóa chất gây buồn nôn, nôn mửa, kích ứng da và mắt, đau bụng và có thể cản trở hô hấp. Mùi hôi khó chịu có thể lưu lại trên da trong nhiều ngày và có thể thấm lâu hơn khi xịt khắp các tòa nhà và đường phố.
Quân đội Israel thực hiện nhiều cuộc không kích xuyên biên giới. Ảnh: Reuters
Một tòa nhà ở Gaza bị không kích. Ảnh: Reuters
Các cuộc tấn công của Israel ở Jerusalem bị nhiều nhóm trên toàn cầu lên án. Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc các lực lượng quân sự Israel sử dụng vũ lực quá mức, "tấn công bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa của Palestine" trong nhiều tuần diễn ra các cuộc biểu tình ở Đông Jerusalem.
Về phía Israel, họ nhấn mạnh rằng đó Israel đáp trả những kẻ bạo loạn người Palestine bằng các biện pháp thích hợp. Số người chết do xung đột đang diễn ra tăng mạnh trong những ngày gần đây, khi các cuộc không kích và tấn công bằng tên lửa từ cả Gaza và Israel ngày càng tăng.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế Gaza, ít nhất 65 người Palestine, trong đó có 16 trẻ em, thiệt mạng. Tại Israel, dù hệ thống phòng không Vòm Sắt đánh chặn được 90% số rốc-két từ Gaza nhưng vẫn có ít nhất 6 người thiệt mạng, trong đó có một bé trai 6 tuổi.
Liên Hiệp Quốc kêu gọi hai bên ngừng bắn, cảnh báo rằng Israel – Palestine đang trên bờ vực của một cuộc chiến toàn diện. Tuy nhiên, dường như lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc không được lắng nghe.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz trước đó tuyên bố sẽ tấn công nhiều hơn vào Hamas và các nhóm chiến binh Hồi giáo khác ở Gaza để mang lại "sự yên tĩnh lâu dài, tổng thể" trước khi xem xét ngừng bắn. Hamas cũng cho biết họ không sẵn sàng lùi bước.
Pháo binh Israel khai hỏa về phía Dải Gaza ngày 12-5 Ảnh: AP
Ngày 12-5, các hãng hàng không Mỹ như American Airlines, United Airlines, Delta Air Lines thông báo tạm dừng các chuyến bay đến TP Tel Aviv của Israel do giao tranh. Theo công ty dữ liệu hàng không Cirium, các hãng hàng không có trung bình 7 chuyến bay mỗi ngày từ Mỹ đến Tel Aviv trong tháng này. Nhà chức trách Israel đã tạm dừng một thời gian ngắn các chuyến bay tại Sân bay Ben Gurion của Tel Aviv vào đầu tuần này sau khi Hamas bắn rocket về phía Tel Aviv.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên tại Nhà Trắng sau khi điện đàm với Thủ tướng Israel Netanyahu, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: "Tôi kỳ vọng đụng độ sẽ sớm chấm dứt nhưng Israel có quyền tự vệ". Ông Biden không giải thích vì sao ông đưa ra tuyên bố có chiều hướng lạc quan như vậy.
Bình luận (0)