Theo báo The New York Times, Mỹ cần nguồn cung dầu rẻ, ổn định cùng một đồng minh trong thế giới Ả Rập. Saudi cần sự bảo vệ của một siêu cường. Cứ thế, quan hệ giữa họ nảy nở. Thế nhưng, Đạo luật Công lý chống hỗ trợ hành động khủng bố (JASTA) mà quốc hội Mỹ vừa lật ngược phủ quyết của Tổng thống Barack Obama để thông qua là cú lay mạnh đối với một Riyadh lâu nay đã trằn trọc vì quan hệ đồng minh xuống dốc. Ngoài những bất đồng về nhân quyền, Saudi còn bực dọc khi không thể thuyết phục Mỹ can thiệp mạnh hơn vào cuộc nội chiến ở Syria cũng như phản đối chuyện ông Obama quyết đạt thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Tổng thống Mỹ Barack Obama được Quốc vương Ả Rập Saudi Salman tiếp đón trong chuyến thăm hồi tháng 4-2016 Ảnh: AP
“Vấn đề không phải là JASTA được thông qua mà nằm ở chỗ nó được thông qua bởi một nước mà Saudi xem là đồng minh. Saudi cũng là nạn nhân của khủng bố” - TS Abdulmajeed Al-Jallal, chuyên gia chính trị nói với tờ Saudi Gazette. Theo The New York Times, bất chấp những nghi ngờ dai dẳng suốt 15 năm qua và việc 15/19 tên không tặc là người Ả Rập Saudi, không có bằng chứng cho thấy vương quốc này dính líu đến vụ khủng bố 11-9-2001. Rộng hơn việc đột nhiên có thể phải đối mặt cuộc chiến pháp lý kéo dài và tốn kém tại các tòa án Mỹ - JASTA cho phép gia đình các nạn nhân trong vụ 11-9 kiện Ả Rập Saudi vì những liên quan có thể có, Riyadh nhận ra không thể trông cậy vào Mỹ nữa hay nguy hiểm hơn, theo đài CNN, là “không thèm trông cậy nữa”.
Oái oăm thay, chính chiều sâu quan hệ giữa Saudi và Mỹ mở ra cho vương quốc này rất nhiều phương cách trả đũa, nếu họ muốn. Ngoại trưởng Adel al-Jubeir nói Ả Rập Saudi đầu tư rất nhiều tiền ở Mỹ và dọa sẽ rút hết về. Chưa hết, đài CNN chỉ ra khi quốc hội Mỹ dè dặt thông qua việc bán 1,5 tỉ USD vũ khí cho Ả Rập Saudi thì Anh đã kịp bán cho vương quốc này hơn 7 tỉ USD vũ khí kèm thêm hợp đồng bán 72 máy bay Typhoon trị giá 5,8 tỉ USD.
Pháp không thua kém với các thương vụ vũ khí có thể thu về 12 tỉ USD. Nếu mất các hợp đồng vũ khí với Saudi, viễn cảnh nhiều người Mỹ mất việc làm là khó tránh khỏi. Kịch bản này hơi xa xôi nhưng nếu nhìn vào giá xăng dầu, dân Mỹ sẽ “đau” nhanh hơn. Cùng thời điểm JASTA được thông qua, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đạt thỏa thuận sơ bộ về cắt giảm sản lượng. Điều này đồng nghĩa giá xăng và dầu sưởi ấm có thể leo thang khi mùa đông đã cận kề. Quyết định chính thức về thỏa thuận trên không thể đạt được nếu thiếu Ả Rập Saudi, đẩy Mỹ xuống chiếu dưới trong cuộc mặc cả.
Sau tiền bạc, Mỹ phải lo tiếp đến vấn đề quân sự. Ở Trung Đông, Mỹ có các sứ mệnh huấn luyện ở Ả Rập Saudi, nhiều căn cứ lớn ở Qatar, Bahrain và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Chính vì vậy, JASTA có thể cản trở cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của Mỹ. Tất cả những điều này đe dọa vị thế của Mỹ ở Trung Đông. “Hy vọng duy nhất của chúng ta là người Saudi đủ khôn ngoan để tránh một cuộc trả thù chính trị bởi họ cũng sẽ thiệt hại về tài chính và chiến lược. Tuy nhiên, quốc hội Mỹ lại đang kích động họ làm vậy” - CNN kết luận.
Bình luận (0)