Bước đi này – dự kiến được đưa ra trong ngày 15-2 (giờ địa phương) - có khả năng đẩy ông Trump vào một cuộc chiến pháp lý với quốc hội về các quyền hiến pháp.
Phát ngôn viên của Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết: "Tổng thống Trump ký dự luật ngân sách chính phủ và như ông đã tuyên bố trước đó, ông cũng sẽ có bước đi khác, bao gồm việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia".
Phát ngôn viên của Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết tổng thống sẽ có bước đi khác. Ảnh: UPI
Ngay lập tức, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi lên án động thái của tổng thống. Khi được hỏi liệu có hành động pháp lý thách thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia của ông Trump hay không, bà Pelosi cho rằng đó là một phương án.
Trong khi đó, lãnh đạo phe Dân chủ tại thượng viện Chuck Schumer cáo buộc ông Trump lạm dụng quyền lực của tổng thống. Còn lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại thượng viện Mitch McConnell cho biết sẽ ủng hộ ông Trump về việc ban bố tình trạng khẩn cấp. Theo tờ Washington Post, đầu tháng này, ông McConnell đã cảnh báo Tổng thống Trump rằng việc ban bố tình trạng khẩn cấp có thể chia rẽ đảng Cộng hòa tại thượng viện.
Trước đó, thất bại trong việc yêu cầu quốc hội cấp 5,7 tỉ USD xây tường biên giới, ông chủ Nhà Trắng đã đồng ý ký một dự luật ngân sách chính phủ - dù không cấp đủ tiền xây tường theo đề nghị của ông - nhằm ngăn chính phủ đóng cửa sau hạn chót 15-2.
Dự luật nói trên đã được thượng viện thông qua hôm 14-2 và sẽ được quốc hội phê chuẩn nếu hạ viện cũng thông qua. Mặc dù dự luật cho phép cấp kinh phí để xây hàng rào và thực hiện các biện pháp an ninh biên giới khác nhưng lại phớt lờ "bức tường vĩ đại" mà ông Trump từng cam kết xây dựng trong chiến dịch tranh cử năm 2016 nhằm hạn chế nhập cư trái phép và buôn bán ma túy.
Bình luận (0)