Các chính khách Đức hôm 2-1 đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ cuộc trấn áp của cảnh sát ở TP Cologne đối với “những kẻ gây rối tiềm năng” dịp mừng năm mới bất chấp nỗi lo ngại cảnh sát có thể liên quan đến hành vi phân biệt chủng tộc. Trước đó, ngày 31-12-2016, cảnh sát đã ngăn chặn 650 người đàn ông Bắc Phi kéo đến trung tâm Cologne để ngăn ngừa tái diễn những vụ cướp bóc và cưỡng hiếp như từng xảy ra 1 năm trước.
Tuyến đường chết chóc
Ông Alexander Bosch, nhà vận động chống phân biệt chủng tộc của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho rằng cảnh sát Đức đã vi phạm luật và kêu gọi tiến hành cuộc điều tra độc lập. “Hành động của cảnh sát Cologne rõ ràng là phân biệt chủng tộc” - ông nhấn mạnh.
Các nhà phê bình cáo buộc cảnh sát chỉ căn cứ vào vẻ bề ngoài để ngăn chặn ai đó. Tuy nhiên, cảnh sát trưởng Juergen Mathies thanh minh rằng thuộc cấp của ông chỉ ngăn chặn những thanh niên dựa trên hành vi của họ chứ không phải hình thức bên ngoài.
Đề cập vấn đề phân biệt đối xử với người di cư da đen, trang IBTimes đặt dấu hỏi: Vì sao không ai quan tâm khi người châu Phi da đen chết chìm ngoài biển khơi? Phải chăng ở đây ẩn khuất chủ nghĩa phân biệt chủng tộc?
Từ khi cuộc khủng hoảng tị nạn ở Syria được đưa tin nổi bật trên trang nhất báo chí quốc tế, cảnh ngộ của người di cư châu Phi tại châu Âu đã trở thành thứ yếu. Các cơ quan truyền thông đại chúng tập trung chú ý đến những di dân vượt qua tuyến đường miền Đông Địa Trung Hải - từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp. Trong khi đó, tuyến đường miền Trung Địa Trung Hải - qua Libya tới Ý đến châu Âu thực tế là tuyến đường chết chóc nhất. Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), từ ngày 1-1 đến 28-9-2016, 3.054 người di cư đã mất mạng khi chọn tuyến đường này.
Người di cư châu Phi suốt nhiều thập kỷ qua vẫn vượt qua vùng biển miền Trung Địa Trung Hải. Trên đường đến châu Âu, khoảng 400.000 người đặt chân lên đảo Lampedusa - địa danh đã trở thành biểu tượng của cuộc khủng hoảng di dân ở châu Âu. Giống như các nhánh sông, người di cư châu Phi từ miền Đông, miền Trung và miền Tây lục địa này đã cùng đổ về bờ biển Libya với chiều dài 1.760 km.
Mại dâm, nô lệ
Mấy năm qua, báo chí thế giới liên tục đưa tin về những chuyến đi gian nan của người di cư châu Phi từ Libya đến bờ biển châu Âu trên các con thuyền nhếch nhác. Hầu hết họ là nam giới, trẻ tuổi, liều mạng để thoát khỏi cảnh đói nghèo, chiến tranh, bạo lực ở đất nước mình.
Nhiều người di cư châu Phi đã sống sót sau những chuyến đi kinh khủng đó và đến được châu Âu. Thế nhưng, cảnh ngộ của họ không thu hút sự chú ý của dư luận như những người dân Syria vượt qua Thổ Nhĩ Kỳ vào châu Âu. Ở Libya, dân di cư châu Phi đối mặt tình thế ác nghiệt: Bị dân quân và bọn người buôn lậu giam cầm vô thời hạn, bị phân biệt chủng tộc, điều kiện lao động như nô lệ...
Theo dữ liệu của IOM, trong số 3.600 người Nigeria đến Ý bằng thuyền trong nửa đầu năm 2016, hơn 80% bị bán để hành nghề mại dâm. Phần đông họ đều bị lừa đến Ý và khi tới nơi, người ta bảo họ phải làm việc để trả chi phí chuyến đi. Ở Palermo, phụ nữ Nigeria đêm đêm vẫn đi bộ dọc theo bãi biển trên hải cảng để tìm khách mua dâm trong khi bọn người dắt mối trông chừng họ.
Libya đã trở thành cái phễu đối với người di cư châu Phi vào châu Âu. Taka, một di dân Gambia trẻ tuổi, chẳng biết gì về cuộc chiến tranh Libya trước khi anh rời bỏ đất nước nhỏ bé của mình ở vùng Tây Phi. Rời khỏi làng hồi tháng 2-2016, Taka lao vào một chuyến đi đầy nguy hiểm đưa anh qua thị trường nô lệ ở Niger đến Sahara. Cuối cùng, Taka đến Libya nhưng bị bắt, cầm tù và tra tấn. Anh đã tìm đến Tripoli nhưng phải gắn bó với những thanh niên Gambia khác để tránh bị bắt cóc. Chuyến đi gian khổ này vẫn không làm giảm được quyết tâm của Taka: “Tôi sẽ chết hoặc nhìn thấy châu Âu”.
Nhiều người di cư châu Phi trẻ tuổi đã trải qua những tình cảnh giống như Taka. Chẳng hạn Ugaas, một di dân Somalia, đã bị bọn buôn người tra tấn và cầm tù ở Libya. Chúng ném đá vào đầu Ugaas khi gia đình anh không thể thanh toán tiền. Một trường hợp khác là Tareke, người Eritrea. Sau khi chạy trốn một trong những chế độ hà khắc nhất thế giới, anh bị giam cầm và tra tấn hằng tháng trời trong nhà tù khét tiếng ở Kufra, miền Nam Libya.
Bất chấp những câu chuyện kinh hoàng này, dư luận thường tập trung chú ý đến trải nghiệm của người tị nạn Syria. Ở châu Âu, dường như tính mạng của người châu Phi chẳng đáng là gì so với người Ả Rập. Thậm chí, khi chiếc thuyền chở dân tị nạn bị chìm ở vùng biển miền Trung Địa Trung Hải, dư luận thường để ý đến người Syria hơn là châu Phi. Các nhà bình luận cho rằng dường như cảnh ngộ của dân tị nạn Syria khiến người châu Âu không có thành kiến đối với những câu chuyện của người tị nạn.
Thái độ phân biệt đối xử đã tạo ra hệ thống 2 lớp đối với người di cư. Trong bảng xếp hạng người di cư, dân Syria ở trên còn châu Phi ở dưới. Các nhà chuyên môn cho rằng cảnh ngộ của di dân châu Phi sẽ tiếp tục bị xem nhẹ cho đến khi có sự thay đổi.
Libya nguy hiểm
Theo Africa News, nhà chức trách Libya hôm 29-12-2016 đã trục xuất 157 người di cư châu Phi trái phép, đồng thời làm việc với các sứ quán để thu xếp cho họ về nước an toàn. Những người này hầu hết đến từ Mali với hy vọng vào châu Âu qua ngả Địa Trung Hải.
Người phát ngôn IOM Di Giacomo nhận định nhiều người di cư sẽ tiếp tục vượt biển trong mùa đông năm nay. Theo ông, điều kiện ở Libya đang ngày càng trở nên nguy hiểm đối với những người di cư cố bỏ chạy khỏi đất nước họ để cứu lấy tính mạng.
Kỳ tới: Năm ác nghiệt với người di cư
Bình luận (0)