Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân diễn ra ở thủ đô Washington - Mỹ trong ngày 31-3 và 1-4 tập trung thảo luận các biện pháp bảo vệ vũ khí hạt nhân trước nhiều nguy cơ khác nhau.
Đáng chú ý, đây là hội nghị đầu tiên có phiên họp đặc biệt bàn về cách đối phó với các vụ tấn công khủng bố ở thành thị và phương thức xử lý mối de dọa khủng bố hạt nhân. Sự đề phòng này không thừa trong bối cảnh dư luận thế giới ngày càng quan ngại về khả năng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có được nguyên liệu hạt nhân. Tại hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Barack Obama và các nhà lãnh đạo, đại diện của hơn 50 quốc gia sẽ bàn kế sách ngăn chặn IS có nguyên liệu hạt nhân và chế tạo bom bẩn cho dù không nhiều người tin rằng chúng có thể phát triển bom nguyên tử.
“Trong nhiều năm qua, chúng tôi nhận thấy các tổ chức khủng bố có tham vọng sở hữu nguyên liệu hạt nhân. Đó là lý do vì sao hội nghị lần này cực kỳ quan trọng” - phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes phát biểu trước thềm hội nghị. Thêm vào đó, ông Rhodes tuyên bố Washington đã nỗ lực giảm thiểu nguy cơ bọn khủng bố có được nguyên liệu hạt nhân. Tổng thống Obama từng đánh giá khủng bố hạt nhân là mối đe dọa tức thì và nghiêm trọng nhất đối với an ninh toàn cầu khi tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân đầu tiên vào năm 2010.
Tờ The New York Times ghi nhận nỗ lực của ông Obama trong 6 năm qua đã góp phần cải thiện an ninh hạt nhân cũng như thúc đẩy thế giới quan tâm nhiều hơn đến vấn đề lớn này. Tuy nhiên, bất chấp những tiến triển đạt được, hàng tấn nguyên liệu mà bọn khủng bố có thể sử dụng để chế tạo bom hạt nhân nhỏ hoặc bom bẩn vẫn rất dễ bị đánh cắp. Chưa hết, một số nước không hoan nghênh những biện pháp bảo vệ được Mỹ thúc đẩy hoặc thậm chí còn đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân.
Pakistan là cái tên bị Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Rose Gottemoeller nhắc đến trước thềm hội nghị. Quan chức này phàn nàn việc Islamabad tiếp tục triển khai vũ khí hạt nhân chiến trường làm tăng mối đe dọa. Tuy nhiên, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif sẽ không tham dự hội nghị ở Washington sau vụ tấn công khủng bố ở TP Lahore làm chết 74 người hôm 27-3. Những sự vắng mặt đáng chú ý khác là Nga, Triều Tiên, Iran và Belarus. Nhà Trắng nhận định Moscow đã bỏ lỡ cơ hội thảo luận về an ninh hạt nhân dù bản thân nước này cũng đối mặt những mối đe dọa không nhỏ.
Tại hội nghị, hơn ai hết, Thủ tướng Bỉ Charles Michel có lẽ sẽ nói nhiều về hiểm họa từ khủng bố hạt nhân và những biện pháp thực tế để cải thiện an ninh hạt nhân. Ở Bỉ hiện nay, nhiều người lo sợ sẽ xảy ra một vụ tấn công còn tinh vi hơn các vụ đánh bom sân bay và hệ thống xe điện ngầm thủ đô Brussels hồi tuần trước. Cảnh sát Bỉ phát hiện các phần tử IS đã quay đoạn băng video dài 10 giờ theo dõi một quan chức cao cấp tại cơ sở nghiên cứu hạt nhân SCK-CEN gần thị trấn Mol.
Một số tờ báo cho rằng IS có thể đã tìm cách lấy nguyên liệu phóng xạ từ SCK-CEN để chế tạo bom bẩn. Theo trang The Huffington Post, nhiều khả IS thoạt đầu định đánh bom cơ sở hạt nhân của Bỉ. Trước mối đe dọa này, bà Laura Holgate, cố vấn hàng đầu về khủng bố hạt nhân của Tổng thống Obama, hôm 29-3 tiết lộ Washington đã làm việc với Brussels về vấn đề giảm bớt số lượng nguyên liệu hạt nhân tại một cơ sở quan trọng.
Mỹ - Trung gặp nhau trong căng thẳng
Bên lề hội nghị, Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong ngày 31-3. Quan hệ 2 nước đang ở mức thấp nhất trong 15 năm qua và theo tờ The New York Times, cuộc gặp khó có thể đạt kết quả thực chất, nhất là về vấn đề biển Đông.
Tuy nhiên, vẫn có một số nhà phân tích cho rằng không khó để bầu không khí cuộc gặp bớt ngột ngạt. Chẳng hạn, ông Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Nhân dân (Trung Quốc), nói ông Tập có thể cam kết không quân sự hóa hơn nữa các đảo xây hoặc chiếm giữ trái phép ở biển Đông. Đổi lại, người Mỹ có thể đồng ý ngưng đưa tàu, máy bay tham gia chiến dịch tự do hàng hải tại vùng biển Bắc Kinh đang đòi chủ quyền. Trong khi đó, ông Douglas H. Paal, chuyên gia tại tổ chức Carnegie Endowment vì Hòa bình quốc tế (Mỹ), nhận định một sự kiềm chế từ cả hai bên sẽ giúp hạ hỏa cuộc đối đầu Mỹ - Trung ở biển Đông.
Thực tế, một số chuyên gia về chính sách đối ngoại ở Trung Quốc lo ngại những gì Bắc Kinh đang làm ở biển Đông khiến các nước láng giềng thêm xa lánh và tiến gần Mỹ hơn. Điều này ngược với những gì ông Tập muốn đạt được thông qua con đường thương mại và ngoại giao. Không những thế, tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, hôm 29-3 nhận định hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông đang “gây bất ổn” và có thể đe dọa đến các tuyến giao thương trong khu vực. Vị tướng này cũng cho rằng những diễn biến như thế có thể làm xói mòn lợi thế cạnh tranh của Mỹ ở châu Á.
Cũng liên quan tình hình biển Đông, Thủ tướng Malaysia Najib Razak hôm 30-3 cho rằng vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở đó không thể được giải quyết bằng sức mạnh quân sự mà phải thông qua đàm phán và sự đoàn kết giữa các nước ASEAN. Nhận định này được đưa ra một ngày sau khi Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia (MMEA) lại khẳng định 2 tàu hải cảnh hộ tống 100 tàu cá Trung Quốc xâm nhập lãnh hải nước này gần cụm bãi cạn Luconia vào tuần rồi. H.Phương
Bình luận (0)