Hai ngày sau các vụ đánh bom khiến ít nhất 31 người thiệt mạng tại thủ đô Brussels - Bỉ, một nhân viên bảo vệ tại cơ sở hạt nhân nằm ở TP Charleroi bị bắn chết hôm 24-3. Đáng lo hơn, thẻ an ninh dùng để ra vào cơ sở của người này cũng bị đánh cắp - tờ báo địa phương Derniere Heure dẫn từ nguồn tin cảnh sát cho biết.
Mục tiêu nguy hiểm của IS
Vụ việc trên lập tức làm gia tăng nỗi lo tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang tìm cách sở hữu vật liệu hạt nhân hoặc tấn công một cơ sở hạt nhân nào đó. Cơ sở hạt nhân nói trên, cách thủ đô Brussels khoảng 50 km, nằm trong danh sách mục tiêu khủng bố tiềm tàng.
Báo The New York Times tiết lộ Cơ quan Liên bang về kiểm soát hạt nhân Bỉ (FANC) hôm 25-3 đã thu lại thẻ ra vào của một số nhân viên cũng như hạn chế việc tiếp cận các cơ sở hạt nhân. Người phát ngôn của FANC Sebastien Berg cho biết họ đang lo ngại nguy cơ xảy ra “một vụ nổ bên trong nhà máy hạt nhân” hoặc có ai hay thứ gì đó đâm vào cơ sở này.
Trước đó, cũng theo tờ Derniere Heure, 2 kẻ đánh bom liều chết ở Brussels là anh em Khalid và Ibrahim el-Bakraoui lên kế hoạch tấn công các nhà máy điện hạt nhân của Bỉ. Hai tên này đặt camera giám sát trước nhà giám đốc chương trình nghiên cứu hạt nhân nước này. Các đoạn video dài hàng chục giờ ghi lại toàn bộ thói quen đi lại của ông giám đốc bị cảnh sát thu giữ khi đột kích vào căn hộ của nghi can khủng bố Mohammed Bakkali.
Bỉ từng đối mặt không ít vấn đề liên quan đến an ninh tại các cơ sở hạt nhân của mình. Mạng máy tính của FANC hồi đầu năm phải ngưng hoạt động trong thời gian ngắn do bị tấn công. Trước đó, vào năm 2012, 2 nhân viên hạt nhân trốn khỏi Bỉ tham gia thánh chiến ở Syria và cuối cùng gia nhập IS. Một vấn đề khác là bộ máy tình báo yếu kém và một mạng lưới khủng bố bắt rễ sâu ở nước này.
Giáo sư Matthew Bunn của Trường ĐH Harvard (Mỹ) cho rằng nếu IS sở hữu vũ khí hạt nhân, chúng sẽ thu hút nhiều tay súng và tiền bạc hơn, kiểm soát nhiều lãnh thổ và chiêu dụ nhiều chuyên gia trên toàn cầu hơn tổ chức khủng bố Al-Qaeda.
Phần nổi của tảng băng
Chia sẻ nỗi lo trên, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano hôm 25-3 cho rằng thế giới phải nỗ lực nhiều hơn nữa để ngăn chặn nguy cơ khủng bố hạt nhân. “Khủng bố đang bùng phát và không thể loại trừ khả năng chúng sử dụng vật liệu hạt nhân. Các nước thành viên phải quan tâm đến việc tăng cường an ninh hạt nhân” - ông Amano cảnh báo trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân, dự kiến diễn ra tại Mỹ trong ngày 31-3 và 1-4 tới.
IAEA ghi nhận gần 2.800 vụ buôn bán, tàng trữ trái phép hoặc để mất vật liệu hạt nhân trên thế giới từ giữa thập niên 1990 đến nay. Tuy nhiên, ông Amano cho rằng con số trên chỉ là phần nổi của tảng băng.
Liên quan đến quá trình điều tra vụ tấn công Brussels, cảnh sát hôm 25-3 bắt giữ thêm 3 nghi can, nâng tổng số người sa lưới pháp luật lên con số 9 ở Bỉ. Cuộc điều tra cũng phát hiện thêm nhiều mối liên hệ giữa vụ Brussels và vụ khủng bố ở thủ đô Paris - Pháp vào tháng 11-2015. Theo văn phòng công tố viên liên bang Bỉ, cuộc bố ráp mới nhất nói trên liên quan đến vụ bắt giữ tên Reda Kriket tại Pháp trước đó cùng ngày. Kriket bị nghi âm mưu một vụ tấn công mới.
Trong khi đó, giới truyền thông Bỉ hôm 26-3 cho biết người đàn ông thứ ba được nhìn thấy cùng với 2 kẻ đánh bom tự sát tại sân bay ở Brussels trong đoạn video giám sát là Faycal Cheffou, được cho là một phóng viên tự do và đã bị bắt hôm 25-3. Tuy nhiên, nhà chức trách chưa xác nhận thông tin này. Còn tại Đức, theo tạp chí Der Spiegel, cảnh sát bắt giữ 2 nghi phạm, trong đó một người nhận tin nhắn từ một người có tên trùng với kẻ đánh bom ga tàu điện ngầm ở Brussels, 3 phút trước khi vụ nổ bom xảy ra.
IS liên tiếp đón hung tin
Quân đội Syria được sự hỗ trợ của không quân Nga hôm 26-3 đã tiến vào một số khu vực trọng yếu ở TP Palmyra, miền Trung Syria. Theo Bộ Quốc phòng Nga, chiến đấu cơ nước này từ ngày 22 đến 24-3 đã thực hiện 41 phi vụ, phá hủy 146 mục tiêu của IS ở ngoại ô Palmyra. Trong khi đó, IS chỉ đáp trả yếu ớt bằng 2 vụ đánh bom xe. Ngoài ra, kênh truyền hình Al-Mayadeen (Lebanon) cho biết không ít thành viên IS đã tháo chạy khỏi thành cổ này.
Thành phố niên đại hàng ngàn năm nói trên bị IS chiếm đóng từ tháng 5-2015. Nhiều lăng tẩm, đền đài được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới bị chúng đập phá không thương tiếc. Palmyra án ngữ ngay tuyến đường huyết mạch đi qua khu vực trung tâm do IS kiểm soát, bao gồm tỉnh Deir al-Zor và thành trì Raqqa. Bộ trưởng Cổ vật Syria Maamoun Abdulkarim tin rằng việc đẩy lui IS khỏi thành phố này là một chiến thắng cho toàn nhân loại.
Cũng trong ngày 26-3, IS hứng chịu một tổn thất lớn khác khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter thông báo 2 nhân vật cao cấp của chúng bị tiêu diệt trong tuần này. Tên thứ nhất được xác định là Haji Iman, nhân vật số 2 của IS và là người phụ trách tài chính, tuyển mộ thành viên từ nước ngoài. Reuters cho biết đặc nhiệm Mỹ lúc đầu định bắt sống Iman nhưng trực thăng của họ bị tấn công nên buộc phải bắn chết tên này. Tên còn lại là Abu Sarah, lãnh nhiệm vụ trả lương cho các tay súng IS ở miền Bắc Iraq.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford cho biết số binh sĩ Mỹ hiện diện tại Iraq sẽ tăng từ mức 3.800 người hiện tại. Ngoài ra, Washington còn hỗ trợ lực lượng bản địa trong nỗ lực tái chiếm TP Mosul. Thủy quân lục chiến Mỹ đã cung cấp hỏa lực pháo binh theo yêu cầu của Iraq để hỗ trợ lực lượng của họ di chuyển sang các vị trí mới.
Phạm Nghĩa
Bình luận (0)