Các quan chức tình báo và chính phủ nói rằng một người Ả Rập Saudi đang được theo dõi sát tại một bệnh viện khu vực ở Boston không phải là nghi can trong 2 vụ nổ làm rung chuyển khu vực vạch đến của cuộc đua Marathon ở Boston. Thoạt đầu, các báo cáo gợi ý cá nhân đó là một “nhân vật quan trọng”, dàn xếp vụ tấn công và cho rằng vụ này bắt nguồn hoặc ít nhất được truyền cảm hứng bởi al-Qaeda hay một nhóm khủng bố quốc tế khác.
Các giới chức chính phủ tin rằng sự thận trọng tăng lên ở Mỹ kể từ năm 2001 khiến cho các mạng lưới khủng bố - hiện đã đủ lớn mạnh và tinh vi để vươn ra toàn cầu và tấn công nước Mỹ - gặp nhiều khó khăn hơn. Những nhóm nhỏ hơn hoặc cá nhân thì thường tiến hành các vụ tấn công theo cách riêng của chúng.
Lấy ví dụ, tháng 10 năm ngoái, Mohammad Rezwanul Ahsan Nafis bị bắt trong một âm mưu đánh bom văn phòng Ngân hàng Dự trữ Liên bang ở Manhattan - một hành động được cho là lấy cảm hứng từ Osama Bin Laden, kẻ đã bị giết một năm rưỡi trước đó trong một cuộc đột kích ở Pakistan. Tháng 9-2012, Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã bắt Adel Daoud, một người Mỹ 18 tuổi, trong mưu đồ nhằm kích nổ trái bom đặt trên xe bên ngoài một quán rượu ở Chicago. Rồi vào tháng 5-2012, 5 người chủ trương vô chính phủ bị bắt khi đang toan tính đánh bom một chiếc cầu ở Brecksville, bang Ohio.
Các thiết bị nổ kiểu ứng biến (IEDs), vốn phổ biến ở Iraq và Afghanistan, thường là loại vũ khí gây sát thương cao trong khi vật liệu lại rẻ, dễ tìm. Chỉ riêng trong 6 tháng qua, có 172 vụ việc dính đến IEDs, tính ra 30 vụ mỗi tháng. Vụ tấn công ở Boston hôm thứ hai bao gồm một IED tạo ra từ một nồi áp suất được dồn chất nổ bên trong. FBI đang lùng tìm việc sử dụng IEDs trên khắp nước Mỹ.
Theo tạp chí Foreign Policy, nếu được xác nhận đây là hành động khủng bố, vụ tấn công này - với hơn 170 người thương vong - sẽ xếp thứ 5 xét về mặt tổn thất nhân mạng. Bốn vụ khác xếp theo thứ tự là: Vụ tấn công 11-9-2001 tại Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) với gần 3.000 người thiệt mạng; vụ đánh bom cũng tại WTC năm 1993, làm 1.048 người thương vong; vụ đánh bom thành phố Oklahoma năm 1993 với 818 người thương vong và một vụ ở bang Oregon năm 1984 làm 751 người bị ngộ độc đường ruột vì nhiễm vi khuẩn Salmonella.
Bình luận (0)