Đặc phái viên của lãnh đạo Triều Tiên, ông Choe Ryong Hae tới Nga hôm 17-11. ảnh: EPA
Người phát ngôn của tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, cho biết thông điệp trên đã được trao đổi trong cuộc hội đàm của vị trợ lý thân cận bậc nhất của nhà lãnh đạo Triều Tiên và ông chủ điện Kremlin hôm 18-11. Tuy nhiên, cụ thể thông điệp đó là gì vẫn chưa được công bố.
Ông Choe Ryong Hae tới Nga hôm 17-11 trong một chuyến công du kéo dài 7 ngày. Ngoài thủ đô Moscow, ông còn có kế hoạch tới các vùng viễn Đông thuộc Nga, bao gồm Khabarovsk và Vladivostok. Đây cũng là chuyến thăm Moscow thứ 3 trong năm nay của giới chức Bình Nhưỡng trong bối cảnh quan hệ giữa Triều Tiên và Trung Quốc xấu đi.
Ông Kim Jong-un sẽ chọn Nga, thay vì Trung Quốc, là điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên? Ảnh: Want China Times
Theo Duowei News, giới phân tích tin rằng trong chuyến thăm Nga này, ông Choe Ryong-hae sẽ không bỏ lỡ cơ hội để mở đường cho một cuộc họp thượng đỉnh giữa lãnh đạo của hai nước. Trong khi đó, xuất hiện nhiều đồn đoán cho rằng ông Kim Jong-un có thể chọn Nga, thay vì Trung Quốc, là điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nắm quyền hồi tháng 12-2011. Báo Want China Times (Đài Loan) nhận định nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên đang từ bỏ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để theo đuổi ông Putin.
Trước đó, Phó Nguyên soái Quân đội Triều Tiên Hyon Yong-chol diện kiến, đồng thời chuyển lời chúc mừng từ nhà lãnh đạo họ Kim tới Tổng thống Putin hôm 8-11. Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su-yong cũng có chuyến thăm tới Nga kéo dài 10 ngày bắt đầu hôm 30-9.
Hai nước gần đây cũng liên tục củng cố quan hệ kinh tế. Tháng 10-2013, Nga tuyên bố sẽ giúp Bình Nhưỡng nâng cấp 3.500 km đường sắt để đổi lấy thỏa thuận tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên tại quốc gia bị cô lập nhất thế giới này. Tháng 5, Nga xóa 90% khoản nợ cho Triều Tiên.
Giới phân tích cho rằng việc Bình Nhưỡng và Moscow ngày càng gần gũi cho thấy ông Kim Jong-un đã quyết định ngừng chạy theo Bắc Kinh để tìm kiếm giúp đỡ. Trung Quốc tỏ ra tương đối lạnh lùng với Kim Jong-un kể từ khi nhà lãnh đạo trẻ này nối nghiệp cha hồi tháng 12-2011, trong đó có động thái không thông qua chuyến thăm của Kim Jong-un tới Bắc Kinh. Quan hệ ngoại giao giữa hai bên xấu hơn kể từ khi ông Kim xử tử người chú dượng quyền lực Jang Song-thaek vốn thân với Bắc Kinh.
Hiện nay, ngoài Nga, Triều Tiên còn tìm cách cải thiện quan hệ với một số quốc gia láng giềng khác như Nhật và Mông Cổ, cũng như một số nước châu Âu và châu Phi.
Bình luận (0)