Thâm hụt thương mại của Trung Quốc trong tháng 11-2014 ở mức cao kỷ lục 54,47 tỉ USD trong 14 năm qua do nhập khẩu bất ngờ giảm mạnh. Theo dữ liệu được công bố hôm 8-12, kim ngạch nhập khẩu của nước này trong tháng rồi giảm 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trái với dự báo là tăng 3,9%. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu dù tăng 4,7% nhưng vẫn thấp hơn mức dự báo 8,2%.
Đài BBC nhận định số liệu trên càng làm gia tăng nỗi lo kinh tế Trung Quốc - vừa qua mặt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế - có thể tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng trong năm nay.
Ông Dariusz Kowalczyk, nhà kinh tế tại Ngân hàng Credit Agricole (Pháp), nhận định sự sụt giảm của nhập khẩu phần nào phản ánh nhu cầu tiêu dùng thấp trong nước nên Bắc Kinh cần có những bước đi để kích thích tăng trưởng trong thời gian tới.
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn dự kiến trong tháng 11-2014
Ảnh: Bloomberg
Đây có thể là một trong những nội dung bàn thảo tại Hội nghị Công tác Kinh tế trung ương Trung Quốc (CEWC) dự kiến diễn ra tại Bắc Kinh trong tuần này. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Kông), các nhà hoạch định chính sách sẽ tập trung phác thảo kế hoạch đối phó với những thách thức lớn và đề ra những ưu tiên kinh tế vào năm tới, trong đó có mục tiêu tăng trưởng GDP.
Đã xuất hiện dự báo Bắc Kinh sẽ hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2015 xuống các mức tương ứng 7% và 3%, so với các mức của năm 2014 là 7,5% và 3,5%.
Một số chuyên gia thậm chí nhận định hệ thống tài chính Trung Quốc có nguy cơ gặp khủng hoảng nếu kinh tế nước này tăng trưởng dưới 6% và khó khăn sẽ lan rộng sang hệ thống tài chính toàn cầu bởi Trung Quốc đang được xem là “động cơ tăng trưởng” của thế giới. Chưa hết, Bắc Kinh có thể đối mặt bất ổn một khi tỉ lệ thất nghiệp gia tăng.
Ngoài Trung Quốc, kinh tế thế giới còn chịu sức ép từ sự suy thoái của kinh tế Nhật Bản mà tác động được chú ý gần đây là góp phần kéo giảm giá dầu do nhu cầu trong nước sụt giảm.
Hãng tin AP nhận định suy thoái có thể khiến doanh nghiệp Nhật Bản bớt đầu tư ra nước ngoài, còn người tiêu dùng mua ít hàng hóa nhập khẩu hơn; từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng của kinh tế châu Á. Ngoài ra, sự suy thoái này nhiều khả năng đe dọa sự ổn định của các thị trường tài chính thế giới.
Nỗi lo càng leo thang sau khi số liệu công bố hôm 8-12 cho thấy GDP của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong quý III/2014 giảm 0,5% so với quý trước và giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu được công bố vào tháng rồi cho thấy tỉ lệ giảm lần lượt là 0,4% và 1,6%.
Điều này chứng tỏ chính sách kích thích của Thủ tướng Shinzo Abe chưa đủ để thúc đẩy kinh tế sau 2 năm ông cầm quyền. Một tin không vui khác, theo cuộc thăm dò của Reuters, lòng tin của các nhà sản xuất ở Nhật Bản giảm sút trong tháng 12 và dự kiến còn xuống thêm.
Việc chính phủ tăng thuế tiêu dùng hồi tháng 4 từ 5% lên 8% đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Nhật Bản. Tình hình trên buộc ông Abe kêu gọi bầu cử sớm vào tháng rồi để tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri đối với quyết định hoãn tăng thuế tiêu dùng lên 10% trong năm 2015. Trong nỗ lực trấn an người dân, người phát ngôn chính phủ Nhật Bản hôm 8-12 khẳng định không thay đổi quan điểm rằng kinh tế đất nước vẫn tiếp tục hồi phục.
Bình luận (0)