Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 2-5 đã yêu cầu Triều Tiên “ân xá và thả ông Bae ngay lập tức” sau khi truyền thông Triều Tiên loan tin ông Bae bị kết án ngày 30-4 với tội danh âm mưu lật đổ chính quyền Bình Nhưỡng.
Người đàn ông 44 tuổi này hoạt động trong ngành du lịch và bị bắt ở thành phố cảng Rason hồi tháng 11 năm ngoái. Các nhà hoạt động Hàn Quốc cho hay ông Bae bị bắt vì chụp ảnh những đứa trẻ suy dinh dưỡng của Triều Tiên với mục đích kêu gọi cộng đồng quốc tế viện trợ nhiều hơn cho đất nước này.
Bản án được đưa ra giữa lúc những lo ngại xung đột quân sự giữa Triều Tiên và Mỹ - Hàn lắng xuống cùng sự kết thúc của cuộc tập trận “Đại bàng non”. Vì vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng công dân Mỹ Kenneth Bae chính là lá bài mặc cả mới của Bình Nhưỡng.
Vụ kết án ông Kenneth Bae được đưa tin rộng rãi ở Hàn Quốc. Ảnh: AP
Tuy nhiên, bắt ông Bae thụ án có thể là sai lầm lớn nhất của Triều Tiên, theo nhận đinh của ông Kwon Hyo-jin, một người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc năm 2009. “Nếu Triều Tiên giam ông ấy tại một trại lao động khổ sai, các bạn tù người Triều Tiên sẽ có cơ hội biết về các thành tựu phát triển kinh tế bên ngoài. Và đó sẽ là sai lầm lớn nhất của Triều Tiên”.
Triều Tiên đã nhiều lần bắt giữ công dân Mỹ trong những năm gần đây, bao gồm 2 nhà báo, 1 doanh nhân, 1 giáo viên tiếng Anh và 1 nhà hoạt động, nhưng họ đều được thả nhờ sự can thiệp của các chính khách hàng đầu như hai cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton và Jimmy Carter.
Do đó, theo nhà báo Lucy Williamson của đài BBC, hành động kết án tưởng chừng là thách thức trực tiếp đối với Washington thực ra chỉ nhằm thu hút sự chú ý của các nhà thương lượng Mỹ. Hiện tại, Triều Tiên đã nhận được các đề nghị đàm phán của Mỹ nhưng vẫn kèm theo điều kiện từ bỏ chương trình hạt nhân. Với lá bài Kenneth Bae, Bình Nhưỡng có thể nhận được chuyến công du của một vị khách cấp cao đến từ Mỹ mà không mang theo bất kỳ điều kiện gì.
Tương tự, ông Ahn Chan-il, Giám đốc Viện Thế giới chuyên nghiên cứu về Triều Tiên, nhận định: “Triều Tiên đang sử dụng ông Bae như “mồi câu” một quan chức cấp cao Mỹ nào đó. Chuyến công du này cũng sẽ giúp đánh bóng hình ảnh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un".
Ông Yang Moo-Jin, giáo sư của Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, lại cảnh báo: “Tình hình hiện nay rất khác so với các vụ bắt giữ công dân Mỹ trước đây. Các căng thẳng ngoại giao và quân sự lúc này có thể ngăn cản Mỹ nhanh chóng thay đổi lập trường hoặc tiến hành đối thoại với Triều Tiên chỉ để cứu Bae".
Cho đến thời điểm này, cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter không có kế hoạch đến Triều Tiên. “Tổng thống Carter không nhân được lời mời đến Triều Tiên và cũng không có kế hoạchđến đó” – người phát ngôn Deanna Congileo cho biết trong một email ngày 2-5.
Bình luận (0)