Từ giữa tuần trước, căn hộ HDB (kiểu nhà chung cư đặc trưng do chính phủ Singapore xây và bán cho người dân) ở tầng 21 khu Tiong Bahru của Nguyễn Nam Công Huy thuê đã đông thêm. Họ là 3 lao động nam đến từ Ninh Bình, Thanh Hóa vừa bị chủ chấm dứt hợp đồng, cắt thẻ cư trú, không có thu nhập, không chỗ ở được Huy cho tá túc chờ ngày về Việt Nam.
Giúp người khó hơn mình
Hứa Trung Kiên, quê Ninh Bình, được môi giới lao động Việt Nam hứa giới thiệu cho một việc làm hợp với trình độ thợ hàn nhiều năm của anh. Dành dụm hơn 100 triệu đồng để "ráng lấy suất lao động này", tháng 9-2019, Kiên sang Singapore với ước mơ mang một khoản thu nhập đáng kể về nhà sau 2 năm nữa.
"Thời gian đầu khổ lắm, vì bất đồng ngôn ngữ, chủ và tôi không giao tiếp được với nhau" - Kiên kể lại. Nghề hàn mà anh tin rằng có thể đảm đương nổi công việc thì lại không có, thay vào đó, anh phải làm tất cả những gì chủ "kêu làm" nhưng chủ yếu là khuân vác trong xưởng cơ khí.
Hồi tháng 2-2020, khi Covid-19 bắt đầu hoành hành, việc thưa dần rồi một ngày tháng 3-2020, ông chủ thông báo không cần Kiên nữa và đã báo cáo với Bộ Lao động (MOM) - cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Singapore (ICA) - đồng thời yêu cầu Kiên ra khỏi chỗ trọ. Tính từ ngày 24-3, anh chỉ được lưu trú tại Singapore như một du khách (buộc phải xuất cảnh khỏi Singapore sau 30 ngày, kể từ 24-3). Không nơi cư trú, không việc làm, cái lưng phải mang vác nặng nhọc nhiều ngày đã trở đau hơn… Kiên lang thang tìm chỗ ở tạm nhưng những chỗ có thể có trong khả năng tìm kiếm của anh đều bế tắc.
Hai tuần sau, Kiên được Huy - đồng hương cũng mới sang Singapore học chỉ 6 tháng cùng thời gian với Kiên - cho ở ké trong căn hộ Huy thuê lại, tắm giặt, nấu nướng... miễn phí.
"Tôi có giúp gì được đâu. Nhà còn chỗ trống có thể cho anh em khổ hơn mình vào ở cùng thì tôi sẵn sàng giúp thôi" - Nguyễn Nam Công Huy, người đang thuê lại căn hộ HDB trên tầng 21 này, ngại ngùng trả lời khi chúng tôi hỏi lý do cho Kiên vào ở cùng. Huy cho biết anh không còn nhiều chỗ trống nên chỉ cho được 3 lao động bị cắt thẻ như Kiên vào ở cho đến khi họ có thể tìm cách về được Việt Nam.
Đây cũng không phải lần đầu Huy cho đồng hương không có chỗ vào ở cùng. Bản thân Huy chuyển ra phòng khách nằm, nhường phòng trong cho các đồng hương vì "tôi hay thức khuya, còn anh em đi làm về mệt thì thường ngủ rất sớm".
Nguyễn Nam Công Huy (đeo kính, bên trái) ngồi bên cạnh Hứa Trung Kiên trong căn phòng anh chia sẻ lại cho các đồng hương
Một miếng khi đói...
Bắt đầu từ đầu tuần này, Singapore sẽ thực hiện cách ly xã hội nghiêm ngặt hơn: trường học từ ngày 8-4 và hầu hết nơi làm việc từ ngày 7-4 sẽ đóng cửa. Các cửa hàng ăn uống ở food center, hawker (khu ẩm thực đặc trưng của Singapore), nơi có rất nhiều lao động Việt Nam đang làm thuê, chỉ được bán cho khách mang về.
Các biện pháp mới sẽ được áp dụng ít nhất 1 tháng nhưng từ khi dịch Covid-19 hoành hành, công ăn việc làm của các lao động phổ thông người Việt Nam đã mất đi rất nhanh vì không có du khách, nhu cầu mua sắm, ăn uống cũng giảm mạnh. Một khi đã bị chủ từ chối, tất nhiên lương cũng không còn mà chỗ ở cũng mất ngay lập tức. Đường về nhà cũng mờ mịt.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Dương Ngọc Xuân, quản trị một nhóm lao động và cư dân người Việt Nam tại Singapore trên mạng xã hội, cho biết có đến vài trăm trường hợp lao động người Việt Nam bị đẩy ra đường như Kiên. Trong tình hình dịch bệnh lại càng lo sợ hơn khi thẻ cư trú bị cắt, nếu chẳng may mắc Covid-19, toàn bộ chi phí thuốc men, điều trị có thể lên đến 3.000 - 5.000 SGD (70-120 triệu đồng) thì những lao động tứ cố vô thân này phải chi trả hoàn toàn.
Đến chiều 5-4, danh sách ký đơn thỉnh nguyện trực tuyến trên change.org do nhóm bà Xuân tổ chức đã có 621 ý kiến của các lao động, sinh viên, bệnh nhân đến điều trị và cả người thân... đều mong muốn được về Việt Nam nhưng đường hàng không đã cắt.
Theo bà Xuân, khi những lao động Việt Nam bị chèn ép, cắt thẻ, đuổi ra khỏi nơi trú ngụ liên hệ với nhóm, nhóm lại tìm sự giúp đỡ trong cộng đồng người Việt tại Singapore. Có chỗ cho lao động Việt Nam ở thuê lại với giá 100 SGD/tháng (hơn 1,6 triệu đồng) so với giá chia sẻ chỗ ở thông thường 700 - 800 SGD/tháng (ở chung phòng) đã khá rẻ. Nhiều chỗ cũng đồng ý cho ở miễn phí vài tháng vì họ đảm đương nổi chi phí.
"Chúng tôi cũng kêu gọi các thành viên trong nhóm tìm chỗ trọ cho người lao động Việt Nam khó khăn hoặc ai khá giả hơn thì đóng thêm chi phí ăn uống (tự nấu ở nhà) cho những trường hợp khó khăn hơn. Hoặc tìm cách hỗ trợ cho các lao động chuyện đi lại nếu họ không còn khả năng chi trả. Những lúc như thế này, giúp nhau được gì thì giúp thôi" - bà Xuân nói.
Những thành viên nhóm của bà Xuân, phần lớn đã cư trú lâu năm, có công ăn việc làm tương đối ổn định, thậm chí nhiều người đã có quốc tịch Singapore, cũng chưa làm gì được nhiều cho những hoàn cảnh khó khăn cho các lao động đồng hương. Đặc biệt là với những trường hợp bị chủ lao động lừa "mất cả chì lẫn chài", bệnh tật nhưng cả nhóm quản trị đều tâm niệm làm hết khả năng của mình để các đồng hương có thêm niềm tin và động lực trong cuộc sống xa nhà nhiều khó khăn như hiện nay.
Bình luận (0)