Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1-2017, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và bắt đầu đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Thách thức đối với Tổng thống Moon Jae-in khi tới Washington trong tuần này là cứu vãn thỏa thuận thương mại tự do Mỹ - Hàn ký năm 2012.
Cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in diễn ra trong ngày 29 và 30-6 (giờ địa phương) báo hiệu nhiều căng thẳng. Tổng thống Donald Trump trước đó chế giễu thỏa thuận thương mại tự do Mỹ - Hàn, còn gọi là "Korus", là một "thỏa thuận kinh khủng", giống như "đường một chiều".
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: REUTERS
Để đáp trả, nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã kêu gọi sự giúp đỡ của các ông trùm chaebol. Các nhân vật cấp cao từ 2 tập đoàn Samsung Electronics và Hyundai Motor nằm trong số 52 phái đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ tới Mỹ để thuyết phục ông chủ Nhà Trắng rằng tự do thương mại có thể đem lại lợi ích cho cả hai nước.
"Các doanh nghiệp Hàn Quốc đang cố gắng lấy lòng chính phủ Mỹ. Nhờ vậy, cánh cửa dành cho họ sang Mỹ sẽ rộng mở" – chuyên gia kinh tế Justin Jimenez ở Hồng Kông nói với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP).
Mặc dù thặng dư thương mại của Hàn Quốc đối với Mỹ đã tăng gấp đôi trước khi thỏa thuận Korus có hiệu lực, các quan chức Seoul nhấn mạnh làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc vào Mỹ cũng tăng với tốc độ kỷ lục. Theo Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, đầu tư trực tiếp từ Hàn Quốc vào Mỹ trong quý I năm nay tăng 143% so với cùng kỳ năm 2016.
Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tiết lộ Tổng thống Moon và các giám đốc điều hành của những tập đoàn lớn của Hàn Quốc sẽ tìm kiếm cơ hội mới trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và công nghệ thông tin khi tới thủ đô Washington.
Seoul hy vọng hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Donald Trump sẽ tập trung vào các vấn đề an ninh liên quan đến chương trình hạt nhân Triều Tiên hơn là thương mại. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ được cho là vẫn đưa vấn đề thương mại vào chương trình nghị sự, Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại châu Á (trụ sở ở Singapore) Deborah Elms nhận định.
Hồi tháng 3, Samsung tuyên bố họ đang xem xét mở một nhà máy thiết bị gia dụng mới tại Mỹ. Hyundai Motor và công ty liên doanh Kia Motors hồi tháng 1 cũng thông báo kế hoạch đầu tư thêm 3,1 tỉ USD vào Mỹ trong vòng 5 năm tới. Hãng hàng không Korean Air Lines – góp mặt trong phái đoàn thăm Mỹ - ngày 23-6 rồi cho biết họ đã đạt được thỏa thuận về chia sẻ chi phí và doanh thu trên các chuyến bay ở châu Mỹ và châu Á.
Bình luận (0)