Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, hôm 4-9 thông báo chính thức rút dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm sang Trung Quốc đại lục để xét xử.
Dự luật gây tranh cãi nói trên là nguyên nhân dẫn đến làn sóng biểu tình kéo dài vài tháng qua, đẩy thành phố này rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Trước đó, nhà lãnh đạo Hồng Kông hồi tháng 7 tìm cách hạ nhiệt căng thẳng khi tuyên bố dự luật dẫn độ đã "chết" nhưng không chính thức rút nó. Dù vậy, người phản đối dự luật vẫn tiếp tục xuống đường và mức độ bạo lực của các cuộc biểu tình gia tăng theo thời gian.
Vẫn còn quá sớm để biết được liệu sự nhượng bộ nói trên của bà Lâm có giúp tình hình Hồng Kông ổn định trở lại hay không bởi việc rút dự luật dẫn độ chỉ là một trong 5 đòi hỏi chính của phe biểu tình. Những yêu cầu khác là nhà chức trách Hồng Kông không dùng từ "bạo loạn" để mô tả các cuộc biểu tình, phóng thích toàn bộ người biểu tình bị bắt giữ, tiến hành cuộc điều tra độc lập về cáo buộc cảnh sát dùng vũ lực quá mức và người dân có quyền bầu lãnh đạo mình một cách dân chủ… Tác động tích cực trước mắt là chỉ số Hang Seng đã tăng hơn 4% trong phiên giao dịch buổi chiều ngày 4-9 sau khi truyền thông địa phương tiết lộ thông tin về số phận dự luật dẫn độ.
Người dân Hồng Kông xem bài phát biểu của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga được phát trên truyền hình hôm 4-9Ảnh: Reuters
Một ngày trước khi bà Lâm có động thái trên, đụng độ bạo lực vẫn tiếp diễn giữa cảnh sát và người biểu tình. Theo Reuters, cảnh sát chống bạo động đã bắn đạn túi đậu, đạn hơi cay vào người biểu tình bên ngoài đồn cảnh sát Mong Kok và bên trong trạm tàu điện ngầm Prince Edward đêm 3-9. Theo tờ South China Morning Post, những ngày cuối tuần qua chứng kiến cảnh sát bắt giữ nhiều người biểu tình trước thềm một cuộc tuần hành bị cấm và người biểu tình ném 100 bom xăng vào các mục tiêu như trụ sở cảnh sát, nhà ga và tòa nhà chính quyền.
Cũng trong ngày 3-9, bà Lâm đã lên tiếng khẳng định chưa bao giờ đề nghị từ chức với chính phủ Trung Quốc để chấm dứt khủng hoảng chính trị. Bắc Kinh cho đến giờ vẫn khẳng định không can thiệp vào chuyện của Hồng Kông nhưng cảnh báo sẽ không ngồi yên nếu tình hình bất ổn ở đó đe dọa an ninh và chủ quyền của nước này. Theo trang Bloomberg, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 3-9 nhận định tình hình Hồng Kông là một trong những nỗi lo của Bắc Kinh.
Có thể hiểu được nỗi lo này khi kinh tế Hồng Kông đang bị trúng đòn bởi các cuộc biểu tình, bên cạnh chiến tranh thương mại leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ. Theo báo The Guardian, hoạt động của lĩnh vực tư nhân ở Hồng Kông trong tháng 8 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua. Cụ thể, theo Công ty Dịch vụ tài chính IHS Markit (Anh), chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Hồng Kông vào tháng rồi tiếp tục giảm còn 40,8 (PMI dưới 50 thể hiện sự suy giảm). Ngoài ra, số lượng đơn hàng mới giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua, trong đó số lượng đơn hàng từ Trung Quốc giảm mạnh kỷ lục.
Số liệu thống kê gần đây cho thấy số lượng du khách đến đặc khu hành chính này trong tháng 7 giảm 12% và tỉ lệ này có thể còn cao hơn trong tháng 8. Doanh số bán lẻ cũng giảm 4% trong tháng 7. Chuyên gia Bernard Aw của IHS Markit cảnh báo kinh tế Hồng Kông có nguy cơ rơi vào suy thoái trong quý III/2019 khi hoạt động kinh doanh chịu tác động của tình trạng tê liệt liên quan đến biểu tình.
Bình luận (0)