Trong cuộc họp kéo dài 4 giờ, 2 bên thống nhất được sẽ bãi bỏ một số điều luật chống biểu tình cũng như nhất trí về luật ân xá.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tư pháp Olena Lukash, ân xá có hiệu lực trong trường hợp người biểu tình giải phóng tất cả các cơ sở và tuyến đường mà họ đang chiếm đóng, nếu không hành vi vi phạm pháp luật này vẫn sẽ bị trừng phạt.
Ngoài ra, một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đương kim Thủ tướng Mykola Azarov cũng sẽ diễn ra trong phiên họp quốc hội Ukaine hôm 28-1 (giờ địa phương) như một động thái nhượng bộ phe đối lập.
Cuộc hội đàm Ukraine đạt được những thỏa thuận bước đầu
nhưng tình hình căng thẳng vẫn tiếp diễn. Ảnh: Reuters
Mặc dù đạt được một vài kết quả khả quan ban đầu nhưng cựu bộ trưởng kinh tế Arseny Yatsenyuk – lãnh đạo của phe đối lập - đã từ chối đề nghị bổ nhiệm ông làm thủ tướng chính phủ khiến bài toán chính trị Ukraine càng thêm nan giải. Phe đối lập cho rằng đây là một cái bẫy của chính phủ đặt ra nhằm chia rẽ nội bộ và phá hoại uy tín của lãnh đạo Yatsenyuk trước hàng ngàn người biểu tình ở thủ đô Kiev.
Đã có 6 người thiệt mạng trong các cuộc xung đột trực tiếp giữa cảnh sát chống bạo động và lực lượng chống chính phủ trong những tuần qua. Dù vậy, đến nay, chính phủ Ukraine vẫn chưa đề cập tới vấn đề ban bố tình trạng khẩn cấp.
Người biểu tình đã rời khỏi trụ sở Bộ Tư pháp song chỉ vài giờ sau đã đe dọa sẽ tiếp tục quay lại nếu cuộc họp quốc hội hôm 28-1 không thu được kết quả.
Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập đã kêu gọi những người ủng hộ tập trung tại Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev để gây sức ép lên cuộc đàm phán. Khoảng 90 người biểu tình đã bị cảnh sát chống bạo động bắt giữ tại 4 thành phố là Dnipropetrovsk, Zaporizhya, Cherkasy và Sumy.
Bất chấp tình hình bất ổn chính trị không ngừng gia tăng ở Ukraine, hôm 27-1, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn quyết định tiếp tục gói viện trợ 15 tỉ USD cho Kiev. Đợt cho vay lần này trị giá 2 tỉ USD dưới dạng mua trái phiếu chính phủ Ukraine, nâng tổng số tiền Moscow cho vay đến nay lên 5 tỉ USD.
Bình luận (0)