Hôm 16-2, quân đội Thổ ngày thứ tư liên tiếp nã pháo vào lực lượng YPG mà họ cáo buộc đang được Nga hậu thuẫn. Ankara lo ngại YPG sẽ kiểm soát khu vực trải dài 100 km dọc biên giới Syria.
Đại sứ Venezuela tại LHQ Rafael Dario Ramirez Carreno tiết lộ Damascus đã viết thư cho Hội đồng Bảo an và Moscow để yêu cầu cuộc họp do Thư ký phụ trách các vấn đề chính trị của LHQ Jeffrey Feltman chủ trì.
“Tất cả thành viên của Hội đồng Bảo an đã nhất trí đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ phải tuân thủ luật pháp quốc tế” – ông Ramirez Carreno trả lời họp báo sau cuộc họp nêu trên. Venezuela hiện là chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an tháng 2-2016.
Khi được hỏi 15 thành viên của Hội đồng Bảo an có bày tỏ quan ngại về hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria hay không, ông Ramirez Carreno nói: “Có”.
Phó Đại sứ Nga tại LHQ Vladimir Safronkov cũng kêu gọi các đối tác làm việc với Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn “hoạt động không thể chấp nhận” này.
Trước đó, Ankara hôm 15-2 lên án Moscow “phạm tội ác chiến tranh” sau các cuộc tấn công bằng tên lửa ở miền Bắc Syria khiến nhiều người thiệt mạng, đồng thời cảnh báo YPG sẽ bị đáp trả nặng nề nhất nếu cố gắng tiếp cận thị trấn Azaz.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 16-2 ra tuyên bố cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết không để thị trấn Azaz rơi vào tay người Kurd là do không muốn mất đường tiếp viện cho IS, Mặt trận al-Nusra và các nhóm khủng bố khác.
Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi và một số đồng minh châu Âu hôm 16-2 đề xuất việc triển khai quân đội ở Syria, trong khi Damascus được chiến dịch không kích của Moscow hậu thuẫn thu được chiến thắng lớn gần biên giới Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói với Reuters rằng một chiến dịch kết hợp trên bộ là cần thiết vào thời điểm hiện tại, giống như chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu. Cho đến nay, Washington vẫn kiên quyết không gửi bộ binh tham chiến vì cho rằng YPG đủ sức chống lại IS trên mặt đất.
Quân đội Syria hiện áp sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ cách khoảng 25 km. Lực lượng dân quân người Kurd cũng mở rộng ảnh hưởng dọc khu vực biên giới. Điều này làm dấy lên lo ngại xảy ra một cuộc đối đấu trực tiếp giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết các cuộc tấn công phe nổi dậy của liên minh Nga và Syria nhằm tạo dựng một hành lang cho YPG dọc biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ. Điều làm Ankara lo ngại là nó đẩy mạnh tham vọng ly khai của người Kurd trên lãnh thổ nước này.
Tuy nhiên, việc Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào YPG sẽ khiến nước này không thể tranh thủ sự ủng hộ của NATO. Theo Reuters, NATO đang ngầm thuyết phụ Ankara không tấn công người Kurd cũng như leo thang căng thẳng với Nga.
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd hậu thuẫn hôm 16-2 đã chiếm được một ngôi làng gần thị trấn Marea. Quân đội Syria cũng kiểm soát thêm 2 ngôi làng ở phía Bắc tỉnh Aleppo, gần thị trấn Tal Rifaat.
Chính phủ Syria cho phép cứu trợ các khu vực bị vây
Kết thúc các cuộc hội đàm tại Damascus ngày 16-2, Đặc phái viên LHQ về vấn đề Syria Staffan de Mistura thông báo chính phủ Syria đã cho phép đoàn xe chở hàng viện trợ nhân đạo tới các khu vực bị bao vây trong vùng chiến sự, bao gồm thị trấn Madaya, nơi nhiều người đã chết vì đói khát.
Theo LHQ, gần 500.000 người đang bị mắc kẹt tại 7 khu vực bị bao vây ở Syria, gồm TP Deir el-Zour, hai ngôi làng Foah và Kefraya ở tỉnh Idlib, các thị trấn Madaya, Muadhamiya, Kafr Batna và Zabadani. Hàng viện trợ đang được Nhóm Hỗ trợ Syria Quốc tế gồm 17 thành viên chuyển tới những khu vực này càng sớm càng tốt.
Thỏa thuận ngừng bắn, không áp dụng cho các tổ chức thánh chiến như nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, bắt đầu có hiệu lực vào cuối tuần này. Tuy nhiên, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho biết sẽ rất khó để thực hiện và không có nghĩa là tất cả các bên sẽ ngưng sử dụng vũ khí.
Bình luận (0)