Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 6-10 chính thức đề cử cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres kế nhiệm ông Ban Ki-moon làm tổng thư ký tiếp theo của LHQ từ ngày 1-1-2017. Đại Hội đồng LHQ nhiều khả năng nhóm họp vào tuần tới để thông qua sự đề cử nói trên.
Tin tốt cho Liên Hiệp Quốc
Kết quả này thậm chí đã được biết ngay sau cuộc bỏ phiếu kín lần thứ 6 mang tính quyết định của Hội đồng Bảo an (HĐBA) một ngày trước đó. Ông Guterres đã giành được sự ủng hộ của 13/15 thành viên HĐBA và không bị thành viên thường trực nào phản đối. Theo tờ The New York Times, kết quả này ít nhiều gây thất vọng cho những ai mong đợi sẽ có một “bóng hồng” đầu tiên hoặc một chính trị gia đến từ Đông Âu giành được vị trí quyền lực nhất LHQ. Tuy vậy, cộng đồng quốc tế bày tỏ niềm tin vào tân Tổng Thư ký LHQ, nhân vật đã để lại nhiều dấu ấn trong vai trò người đứng đầu Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) suốt 10 năm qua.
Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin - hiện giữ vai trò chủ tịch HĐBA - khẳng định: “Chúng tôi đã có người thắng cuộc và đó là Antonio Guterres. Chúng tôi hy vọng ông Guterres sẽ đảm nhiệm tốt trách nhiệm ở cương vị Tổng Thư ký LHQ trong 5 năm tới”. Trong khi đó, Đại sứ Pháp Francois Delattre cho rằng việc lựa chọn ông Guterres, người có thể nói tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha cũng như Bồ Đào Nha, là “một tin tốt cho LHQ”. Còn Đại sứ Mỹ Samantha Power đánh giá cao kinh nghiệm và tầm nhìn của ông Guterres về “các mối đe dọa ở thế giới bên ngoài”.
Theo AP, ông Guterres chia sẻ ông muốn trở thành “một người trung gian ngay thẳng, một người xây dựng cầu nối và một người nỗ lực để tạo điều kiện cho sự đồng thuận”. Trả lời trong một cuộc phỏng vấn trước khi “cuộc đua” giữa 13 ứng viên ngã ngũ, chính trị gia lão luyện này khẳng định nếu đắc cử, mục tiêu của ông là hợp tác với tất cả quốc gia để giúp giải quyết hàng loạt vấn đề trên chương trình nghị sự toàn cầu.
Bất ngờ
Từ một kỹ sư, ông Guterres bắt đầu bước chân vào chính trường năm 1976 trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên ở Bồ Đào Nha sau khi “Cuộc cách mạng Hoa cẩm chướng” bùng nổ kết thúc 5 thập kỷ độc tài ở đất nước này. Nhanh chóng nổi bật và gặt hái nhiều thành tựu lớn, ông trở thành lãnh đạo của Đảng Xã hội năm 1992, đắc cử thủ tướng Bồ Đào Nha năm 1995 và giữ trọng trách này tới năm 2002. Trong vai trò lãnh đạo UNHCR từ 2005-2015, ông Guterres đã lèo lái cơ quan này vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất thế giới, trong đó có Syria, Afghanistan và Iraq. Gọi khoảng thời gian nói trên là “10 năm trải nghiệm phi thường nhất”, ông khẳng định đó là “sự chuẩn bị tuyệt vời” cho vị trí Tổng Thư ký LHQ.
Báo Guardian của Anh cho rằng quyết định lựa chọn ông Guterres diễn ra chóng vánh tới bất ngờ, qua đó cho thấy sự đồng thuận hiếm hoi của HĐBA. Nhiều chuyên gia quan sát ban đầu cho rằng tiến trình lựa chọn khó khép lại trước cuối tháng 10. Không ít người cũng dự báo Moscow sẽ phủ quyết ông Guterres để tạo cơ hội cho một chính trị gia Đông Âu. “Tôi cho rằng Nga muốn có quyết định cuối cùng trong thời gian họ giữ vị trí chủ tịch (HĐBA) và Moscow cũng muốn cả hội đồng cùng thống nhất giữa lúc tồn tại quá nhiều chia rẽ sâu sắc trong những vấn đề khác” - một quan chức ngoại giao của HĐBA nhận định.
Ngoài ra, quan điểm mạnh mẽ của ông Guterres trong vấn đề nhân quyền cũng là lý do khiến chiến thắng của ông gây bất ngờ bởi cả Nga và Trung Quốc đều không muốn một vị lãnh đạo LHQ mạnh miệng về nhân quyền. Theo chuyên gia về LHQ Richard Gowan, thuộc Hội đồng châu Âu về đối ngoại, câu hỏi lớn nhất là liệu ông Guterres có phải nhượng bộ trước Moscow và Bắc Kinh để thắng cử hay không - điều chưa thể biết rõ trong vài tuần hoặc vài tháng tới.
Bình luận (0)