Việc liên minh Five Eyes nói trên - gồm Úc, Anh, Canada, New Zealand, Mỹ - tăng cường hợp tác với những nước như Đức, Nhật Bản…báo hiệu sự mở rộng một mặt trận quốc tế nhằm chống lại những hoạt động gây ảnh hưởng và hoạt động đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài.
Một số quan chức giấu tên cho biết bước đi trên không khác gì một sự mở rộng không chính thức của nhóm Five Eyes trong việc đối phó sự can thiệp của nước ngoài. Trong lúc Trung Quốc là mục tiêu chính, các cuộc thảo luận của liên minh này còn đề cập đến Nga.
"Chúng tôi đang tăng cường tham vấn với các đồng minh và đối tác cùng chí hướng về cách ứng phó với chiến lược quốc tế quyết đoán của Trung Quốc" - một quan chức Mỹ tiết lộ.
Các quan chức 5 nước thành viên liên minh Five Eyes nhóm họp tại Úc hồi cuối tháng 8 qua. Ảnh: Twitter
Nội dung tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp của các quan chức 5 nước liên minh Five Eyes ở Úc hồi cuối tháng 8 qua cũng báo hiệu một sự điều phối chặt chẽ hơn. Cụ thể, nhóm này cho biết sẽ sử dụng các mối quan hệ đối tác toàn cầu và đẩy nhanh chia sẻ thông tin về các hoạt động can thiệp của nước ngoài.
Động thái nói trên đã giáng một đòn mạnh vào hy vọng của Trung Quốc trong việc thuyết phục các nước châu Âu rời xa Washington để xích lại gần Bắc Kinh giữa lúc chính sách "nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump gây cảm giác bất an ở châu Âu.
Trung Quốc cho đến giờ vẫn bác bỏ cáo buộc họ đang tìm cách gây ảnh hưởng đến các chính phủ nước ngoài và các khoản đầu tư đều có mục đích chính trị. Dù vậy, một số nước bắt đầu có các biện pháp hạn chế đầu tư của Bắc Kinh vào những công ty công nghệ nhạy cảm và điều mà họ gọi là chiến dịch gây ảnh hưởng lên các chính phủ, xã hội ở nước ngoài.
5 nước thành viên liên minh Five Eyes nhất trí đẩy nhanh chia sẻ thông tin về các hoạt động can thiệp của nước ngoài tại cuộc họp ở Úc hồi cuối tháng 8 qua. Ảnh: Twitter
Viện dẫn nỗi lo về ảnh hưởng của Trung Quốc, chính phủ Úc cuối năm ngoái công bố một gói luật mới, theo đó siết chặt quy định về vận động hành lang và quyên góp chính trị của nước ngoài.
Trong khi đó, Mỹ đang thúc đẩy luật mới nhằm trao cho chính phủ thêm quyền lực trong việc ngăn chặn một số hoạt động đầu tư nước ngoài.
Vào đầu tháng này, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence chỉ trích Bắc Kinh can thiệp vào chuyện nội bộ của nước này. Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này.
Bình luận (0)