Lưu Hán - cựu Chủ tịch Tập đoàn Khai thác khoáng sản Hán Long - cùng em trai là Lưu Vĩ và 34 người khác ra hầu tòa ngày 31-3 ở TP Hàm Ninh, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Săn hổ to
Theo Tòa án Trung cấp Hàm Ninh, những người này bị cáo buộc tổ chức giết người, thông đồng với các băng đảng xã hội đen, mua bán súng cùng nhiều tội danh khác.
Tân Hoa Xã cho biết băng đảng này có trụ sở ở tỉnh Tứ Xuyên và là tổ chức tội phạm kiểu mafia lớn nhất bị xét xử trong những năm gần đây ở Trung Quốc.
Cũng theo hãng tin này, một nhân viên Công ty Lưu Hán đã thú nhận giết người, dẫn đến các cuộc biểu tình chống lại một trong những dự án của hắn ở Tứ Xuyên trước đây.
Các nhà phân tích chính trị nói rằng phiên tòa kéo dài 1 tuần này là bước đệm cho một mục tiêu lớn hơn. Đó là ông Chu Vĩnh Khang - người phụ trách bộ máy an ninh Trung Quốc trong một thập kỷ cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2012.
Trước thềm vụ xử, nhiều phương tiện truyền thông địa phương đưa tin về quan hệ làm ăn giữa Lưu Hán và Chu Bân - con trai ông Chu Vĩnh Khang. Chu Bân từng bán công ty cho một công ty dưới quyền Lưu Hán với giá 20 triệu nhân dân tệ trong khi giá trị thực chỉ khoảng 3 triệu. Lưu Hán chấp nhận mua vì muốn tạo điều kiện tiếp cận Chu Bân. Giới truyền thông Trung Quốc cũng bóng gió về khả năng bắt tay giữa Lưu Hán và Chu Vĩnh Khang.
Hơn 300 người liên quan
Ông Chu Vĩnh Khang, 71 tuổi, đang bị quản thúc tại gia sau khi chính quyền Bắc Kinh điều tra ông kể từ cuối năm 2013. Lần cuối cùng ông xuất hiện trước công chúng là tại một cuộc họp mặt cựu sinh viên của Trường ĐH Dầu khí Trung Quốc vào tháng 10-2013.
Theo tạp chí châu Á - Hồng Kông, vào thời điểm đó, ông biết mình đang lọt vào tầm ngắm của các quan chức điều tra tham nhũng và có linh cảm không hay sau khi không được mời dự cuộc gặp gỡ lãnh đạo Đảng Cộng sản hằng năm ở Bắc Đới Hà thuộc tỉnh Hà Bắc.
Cũng có nguồn tin cho rằng ông Chu Vĩnh Khang bị điều tra phần nào cũng do liên quan đến “trả thù chính trị”. Ông Chu vốn ra mặt ủng hộ cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, người bị kết án tù chung thân về tội tham nhũng và lạm quyền.
Reuters ngày 30-3 dẫn một số nguồn tin tiết lộ đã thu giữ được lượng tài sản lên tới ít nhất 90 tỉ nhân dân tệ (khoảng 14,5 tỉ USD) từ các thành viên gia đình và cộng sự của ông Chu. Tổng cộng hơn 300 người là họ hàng, đồng minh chính trị, nhân viên và những nhân vật được ông Chu che chở đã bị bắt giữ hoặc thẩm vấn trong vòng 4 tháng qua.
Các công tố viên và cơ quan chống tham nhũng của Đảng đã đóng băng các tài khoản ngân hàng với 37 tỉ nhân dân tệ, đồng thời tịch thu trái phiếu trong nước và quốc tế với tổng giá trị 51 tỉ nhân dân tệ. Các tài sản này bị tịch thu sau khi cơ quan chức năng khám xét nhiều ngôi nhà ở Bắc Kinh, Thượng Hải và 5 tỉnh, thành.
Ngoài ra, các nhà chức trách phát hiện ông Chu Vĩnh Khang và người thân tàng trữ trái phép 27 khẩu súng, gồm 15 khẩu súng ngắn do Trung Quốc sản xuất và 12 khẩu súng ngắn của Đức, Nga, Anh, Bỉ và hơn 11.000 viên đạn.
Mạnh tay với tham nhũng
Theo đài BBC, nhiều quan chức cấp cao ở tỉnh Tứ Xuyên đang bị điều tra những tháng gần đây. Không chỉ vậy, tỉ phú Trung Quốc Đặng Hồng, người sáng lập chuỗi khách sạn lớn nhất Trung Quốc, cũng bị bắt về tội tham nhũng hồi tháng 1-2014. Giới thạo tin chính trị và kinh doanh ở Tứ Xuyên nói rằng Đặng Hồng có quan hệ thân thiết với cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy Lý Xuân Thành, người bị cách chức và trong vòng điều tra của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các nhà phân tích nhận định những động thái trên cho thấy Trung Quốc ngày càng mạnh tay hơn trong chiến dịch chống tham nhũng.
Trong diễn biến mới nhất ngày 31-3, Trung Quốc đã buộc tội cựu Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Cốc Tuấn Sơn tham nhũng, nhận hối lộ, tham ô công quỹ. Theo Tân Hoa Xã, ông Cốc sẽ ra tòa án binh. Ông bị cách chức để điều tra từ năm 2012.
Bình luận (0)