Cụ thể, hoạt động sản xuất của nền kinh tế thứ 2 thế giới trong tháng 8 tăng trưởng ở mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua - theo một cuộc khảo sát tư nhân hôm 3-9.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng Caixin/Markit giảm từ 50,8 trong tháng 7 xuống còn 50,6 trong tháng 8, phù hợp với dự báo của các nhà kinh tế. Ngoài ra, cuộc khảo sát cho thấy số đơn đặt hàng xuất khẩu giảm trong tháng thứ 5 liên tiếp và doanh nghiệp cắt giảm thêm việc làm.
Số liệu chính thức được Bắc Kinh công bố cuối tuần rồi cũng cho thấy chỉ số phụ "đơn đặt hàng xuất khẩu" trong tháng 8 giảm 0,4 điểm còn 49,4 - mức thấp nhất kể từ khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang hồi tháng 3. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp chỉ số phụ này ở dưới mức 50 điểm, qua đó đánh dấu lần đầu tiên hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm trong 3 tháng liên tiếp trong vòng 2 năm qua, theo tờ South China Morning Post.
Ngay cả trước khi nổ ra cuộc chiến thương mại với Mỹ, Bắc Kinh đã phải tăng cường đối phó rủi ro tài chính và tình trạng nợ xấu.
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đang chịu tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại với Mỹ Ảnh: REUTERS
Dữ liệu không mấy khả quan nói trên được công bố giữa lúc có thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết tâm xúc tiến kế hoạch đánh thuế lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc trong tuần này. Trước nỗi lo hoạt động xuất khẩu có thể bị giáng thêm đòn mạnh sau khi 2 nước đã đánh thuế lên 50 tỉ USD hàng hóa của nhau, Trung Quốc có thể thực hiện một số biện pháp để giảm bớt thiệt hại, như thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước, theo ông Zhang Jun, chuyên gia tại Công ty Morgan Stanley Huaxin Securities.
Một giải pháp khác là tăng cường hợp tác kinh tế với những nước chịu tác động bởi căng thẳng giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn. Theo đài CNBC, Trung Quốc cùng với 15 nền kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương đang chạy đua hoàn tất đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Một khi hoàn tất, RCEP - gồm 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand - sẽ trở thành khối thương mại lớn nhất thế giới, chiếm 1/3 GDP toàn cầu.
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing hôm 3-9 cho biết các nhà thương thảo từ 16 nước nói trên đã nhất trí về những nội dung chủ chốt của thỏa thuận tại cuộc họp ở Singapore vào tuần rồi. Theo ông Chan Chun Sing, thỏa thuận về RCEP có thể đạt được khi lãnh đạo 16 nước liên quan gặp mặt tại Singapore vào tháng 11 tới. Triển vọng về thỏa thuận càng tăng sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 2-9 nhận định quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh đã trở lại bình thường.
Bình luận (0)