Chỉ khoảng 9 tuần nữa, cử tri Mỹ sẽ bỏ phiếu quốc hội giữa nhiệm kỳ, qua đó vẽ nên diện mạo của cơ quan lập pháp nhiệm kỳ tới.
Sự trỗi dậy chóng vánh của IS cùng các vấn đề quốc tế ở Ukraine, Gaza... đã làm lu mờ những bê bối trong nước như chương trình do thám, vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi - Libya...
Các tranh cãi xoay quanh chương trình y tế ObamaCare cũng “bốc hơi”, để lại 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa vốn kình chống nhau giờ đồng quan điểm cứng rắn về vấn đề an ninh quốc gia và chống khủng bố.
Việc Tổng thống Barack Obama trì hoãn không kích IS ở Syria khiến nhiều nghị sĩ Mỹ thất vọng
Ảnh: EPA
Theo đài Fox News, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy niềm tin đối với chính sách ngoại giao của Tổng thống Barack Obama đã lung lay đáng kể. Cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew và báo USA Today hồi cuối tháng 8 chỉ ra 54% người được hỏi nhìn nhận ông chủ Nhà Trắng “không đủ cứng rắn” đối với các vấn đề an ninh.
Được tiến hành sau khi nhà báo James Foley bị IS chặt đầu, cuộc thăm dò cũng nhấn mạnh sự thay đổi kịch tính về thái độ đối với vai trò của Mỹ trên thế giới. Tỉ lệ người Mỹ than thở vị thế Washington “quá khiêm tốn” tại các điểm nóng quốc tế đã tăng gần gấp đôi so với thời điểm tháng 11-2013, lên 31%.
Tổng thống Obama đã châm ngòi cho một cơn bão chỉ trích nhằm vào chính ông khi phát biểu “Chúng tôi chưa có chiến lược” hôm 28-8. Dù các quan chức chính quyền sau đó nói rõ ông Obama chỉ đề cập hành động quân sự ở Syria chứ không phải tầm nhìn bao quát trong cuộc chiến chống IS nhưng cũng không làm tình hình khá hơn. Đảng Cộng hòa không bỏ qua cơ hội để tô vẽ Tổng thống Obama thành kẻ yếu ớt về đối ngoại với hàm ý ông không đủ sức bảo vệ nước Mỹ.
Ngay cả các thành viên Đảng Dân chủ cũng đồng loạt phản ứng kịch liệt. Trong lá thư gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Eric Holder, ông nghị Al Franken (bang Minnesota) bày tỏ “sự khó chịu” trước phát biểu của ông Obama. “Một người Mỹ đã thiệt mạng khi chiến đấu cho IS trong khi nhiều người khác đang đến Syria. Chúng ta phải hành động mau chóng và có trách nhiệm để ngăn chặn người Mỹ cầm vũ khí cho IS” - ông viết.
Trong khi Thượng nghị sĩ (TNS) Mark Warner của bang Virginia hối thúc Washington làm rõ chiến lược diệt trừ IS thì nữ TNS Jeanne Shaheen (bang New Hampshire) đả kích mục tiêu “biến IS thành vấn đề có thể xử lý” của ông Obama. “Không tin có thể khống chế IS. Bọn khủng bố này phải bị đuổi tới cổng địa ngục” - bà Shaheen viết trên Twitter với lời tán thưởng dành cho phát biểu “đuổi tới cổng địa ngục” của Phó Tổng thống Joe Biden. Theo trang tin Politico, cả 3 nhân vật trên đều phải chạy đua giữ ghế TNS bang trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Trong số các TNS Dân chủ chỉ trích còn có Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Dianne Feinstein. Bà nói trên đài NBC: “Tổng thống là người rất thận trọng nhưng có lẽ ông đã quá thận trong trường hợp này”.
Bà Lara Brown, giáo sư của Trường ĐH George Washington, nhận xét: “Những nghị sĩ Đảng Dân chủ đang muốn tổng thống có lập trường mạnh mẽ hơn để họ có thể đứng sau lưng ông”. Còn chiến lược gia của Đảng Dân chủ, ông Hank Sheinkopf, cảnh báo: “Ông Obama ngày càng tỏ ra thiếu quyết đoán và điều này sẽ tạo hiệu ứng quả cầu tuyết gia tăng sức ép lên Đảng Dân chủ”.
Bình luận (0)