Theo phân tích lịch sử con đường tơ lụa, sự thành công của tuyến thương mại huyền thoại này phụ thuộc 3 yếu tố.
Thứ nhất là tình hình an ninh được bảo đảm bởi trong khu vực có sự hiện diện của nhiều đế chế hùng mạnh: nhà Hán, các bộ lạc Hung Nô và các cường quốc cổ đại tại Trung Á là đế chế Ba Tư và Hy Lạp. Thứ hai là giao lưu văn hóa và tôn giáo sâu rộng dọc theo con đường tơ lụa cũ. Thứ 3 là các tuyến đường biển vẫn chưa được phát hiện và dòng chảy thương mại phần lớn diễn ra trên đất liền.
Theo thời gian, thương mại hàng hải phát triển, thế giới tăng tính kết nối và quan hệ văn hóa trong khu vực đứt khúc khiến con đường tơ lụa cũ trở thành lịch sử.
Giờ đây, khi chủ nghĩa khu vực, toàn cầu hóa và nguyên tắc đôi bên cùng có lợi trong hội nhập kinh tế khu vực đang cùng diễn ra, nhiều quốc gia đã đề xuất các sáng kiến con đường tơ lụa riêng. Trung Quốc không phải là ngoại lệ. Nước này không chỉ đặt nền móng cho một trong những chương trình hồi sinh con đường tơ lụa lớn nhất mà còn đặt mục tiêu phải thành công.
Tuy nhiên, có rất nhiều điều đã bị phớt lờ trong sáng kiến của Trung Quốc.
Kết nối sắc tộc
Kết nối sắc tộc có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường liên kết khu vực BRI vào thời điểm mà hầu hết các nhóm sắc tộc của một nước cũng đang sống ở các quốc gia láng giềng. Kết nối các cộng đồng sắc tộc về mặt xã hội và kinh tế sẽ có một tác động rất lớn, qua đó thúc đẩy mối quan hệ giữa người dân và các doanh nghiệp.
Các tuyến đường quá cảnh
Chuyện quá cảnh trong hội nhập kinh tế khu vực có thể phân loại thành 3 vấn đề: sự hiện diện của các rào cản thực chất và chính trị, khả năng đi qua những quốc gia không có biển bao quanh và các quốc gia ở gần biển thường sử dụng "quá cảnh" làm công cụ đối ngoại để gây ảnh hưởng.
Đáng nói là nhiều nước thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) không có biển. Ngoại trừ Lào và Bhutan, tất cả quốc gia không có biển khác ở châu Á đều nằm trong khu vực SCO. Mặt khác, cũng có một số quốc gia châu Âu và châu Phi không có biển nằm dọc theo BRI.
Nếu không giải quyết được vấn đề quá cảnh giữa các quốc gia không gần biển, khu vực BRI sẽ không thể phát triển về kinh tế, bởi một trong những nguyên nhân cản trở tăng trưởng kinh tế là mắc kẹt trong đất liền. Theo GS Paul Collier thuộc Trường ĐH Oxford (Anh), 38% người sống dưới mức nghèo đều ở các nước sâu trong đất liền và GDP bình quân đầu người ở các nước không có biển thấp hơn 57% so với các quốc gia gần biển.
Do đó, BRI nên nhấn mạnh quyền của những quốc gia không có biển, cần khuyến khích các hiệp định song phương và đa phương linh động, đồng thời đưa ra một cơ chế giải quyết liên quan đến quá cảnh. Mặc dù sự liên kết giữa các cộng đồng và doanh nghiệp nhận được nhiều quan tâm nhưng nếu các rào cản về chính trị, như vấn đề quá cảnh, không được loại bỏ, BRI sẽ khó đạt được tiềm năng toàn diện.
Vạn Lý Trường Thành về an ninh
Khu vực BRI đang đối mặt nhiều thách thức an ninh. Sự bất ổn ở Trung và Tây Á, xuất phát từ bất ổn dân sự, cũng như sự nổi lên của chủ nghĩa cực đoan là những mối đe dọa cần phải giải quyết. Sự gia tăng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, các cuộc tấn công sói đơn độc và tài trợ khủng bố đồng nghĩa việc cần phải duy trì Vạn Lý Trường Thành về an ninh để bảo vệ khu vực BRI.
Trung Quốc có 2 cách để thực hiện điều này. Cách đầu tiên là sử dụng SCO trong BRI. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn do dự tăng cường hỗ trợ toàn diện cho các sáng kiến BRI bởi các vấn đề liên quan đến Trung Quốc và Pakistan. Cách thứ hai là tăng cường an ninh và hợp tác quân sự với Afghanistan. Với tình hình phức tạp ở Afghanistan, cô lập hoặc phớt lờ nước này chỉ làm tăng thêm vấn đề. Thay vào đó, Trung Quốc nên cân nhắc việc đưa Aghanistan vào tất cả cơ chế kinh tế và an ninh chính trong khu vực.
Bình luận (0)