Phát biểu trên truyền hình, ông chủ Điện Kremlin cho biết Moscow sẽ phát triển tên lửa hạt nhân tầm trung, một loại vũ khí cấm theo Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987. Theo INF, các tên lửa hạt nhân phóng từ mặt đất với tầm bắn từ 498 km đến 5.500 km bị cấm phát triển và triển khai.
"Dường như Mỹ nhận thấy rằng tình hình đã thay đổi nhiều đến mức phải sở hữu loại vũ khí như thế. Chúng ta sẽ phản ứng ra sao? Cách đơn giản là chúng ta cũng sẽ làm điều tương tự trong trường hợp đó" - ông Putin cảnh báo:
Ông Putin cho biết Nga sẽ phát triển các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân nếu Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF. Ảnh: EPA
Trước đó, Tổng thống Donald Trump dọa rút khỏi hiệp ước khi cáo buộc Nga "lừa dối về các cam kết kiểm soát vũ khí của mình". Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 4-12 đưa ra tối hậu thư cho Nga rằng nước này phải tuân thủ trở lại thỏa thuận trong vòng 60 ngày hoặc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Nga cho rằng Mỹ mới là nước có tham vọng leo thang vũ trang. Ông Kingston Reif, giám đốc nghiên cứu giải trừ vũ khí tại Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, nói với đài CNBC: "Hành động vi phạm của Nga là không thể chấp nhận được và đòi hỏi một chiến lược phản ứng quân sự, ngoại giao và kinh tế cứng rắn của Mỹ và NATO".
Tuyên bố của ông Putin hôm 5-12 được đưa ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Pompeo trích dẫn bằng chứng rằng Nga đã âm thầm bổ sung các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân bị INF cấm vào kho vũ khí khổng lồ của mình.
Ông Pompeo cho hay Moscow đã phát triển nhiều tiểu đoàn tên lửa SSC-8, động thái vi phạm thỏa thuận thời chiến tranh lạnh nói trên. Ngoại trưởng Mỹ nói sau một cuộc họp với các đồng cấp Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO): "Hành động đó đặt ra mối đe dọa trực tiếp cho châu Âu".
NATO hôm 4-12 cũng kêu gọi Moscow khẩn trương tuân thủ đầy đủ và có thể kiểm chứng hiệp ước INF. Theo tuyên bố chung của các bộ trưởng ngoại giao thuộc khối này, việc có duy trì được INF lúc này hay không phụ thuộc vào hành động của Nga.
Bà Abigail Stowe-Thurston, một nhà nghiên cứu tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, cho biết Mỹ và các đồng minh cần phải làm nhiều hơn nữa. "Tối hậu thư có thể giúp Mỹ và các đồng minh kéo dài thêm thời gian cứu INF. Tuy nhiên, cách tiếp cận này khó có thể thuyết phục Nga tuân thủ hiệp ước trở lại" – chuyên gia này nhận định.
Bình luận (0)