Các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn giữa Trung Quốc và Nga làm gia tăng đánh giá rằng một liên minh Trung - Nga chống phương Tây đang hình thành.
Các cuộc tập trận thường niên trong năm nay giữa quân đội của 2 nước có ngân sách quốc phòng lớn thứ 2 và 3 thế giới này gồm cuộc tập trận ven biển ở TP Vladivostok - Nga từ ngày 18 đến 21-9, các cuộc diễn tập trên biển Nhật Bản (Hàn Quốc gọi là biển Đông) và biển Okhotsk từ ngày 22 đến 26-9 và trước đó là cuộc diễn tập hải quân ở biển Baltic hồi tháng 7.
Hàng loạt cuộc tập trận chung giữa Nga và Trung Quốc từ châu Âu đến châu Á không chỉ thể hiện mối quan hệ đối tác quân sự đang tiến triển mà còn cho thấy quyết tâm thách thức sự thống trị của Mỹ trên biển.
Cuộc tập trận quy mô lớn nhất từ trước đến giờ giữa 2 nước diễn ra gần bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại đó liên quan đến tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Nguy cơ xảy ra chiến tranh cũng tăng theo giữa lúc Washington và Bình Nhưỡng leo thang đấu khẩu. Moscow và Bắc Kinh có chung quan điểm khi liên tục kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc đối đầu hạt nhân liên quan đến Triều Tiên.
Cả hai nước cũng phản đối việc triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc, được thiết kế để chống lại cuộc tấn công hạt nhân từ miền Bắc.
Gần đây, mối quan hệ giữa Mỹ với cả Trung Quốc và Nga ngày càng trở nên căng thẳng. Moscow đối đầu với phương Tây xung quanh chuyện Nga can thiệp vào Syria và bị cáo buộc gây hấn với Ukraine.
Trong khi đó, Bắc Kinh và Washington đang hục hặc vấn đề về tranh chấp hàng hải ở biển Đông và biển Hoa Đông. Chính vì vậy, việc nâng cấp quan hệ quân sự giữa Bắc Kinh và Moscow dường như nhằm làm phức tạp những nỗ lực do Mỹ dẫn đầu để duy trì sự thống trị trên các tuyến hàng hải.
Những diễn biến trên cũng nêu bật một sự thật trong lý thuyết của chính trị thực dụng rằng cả Trung Quốc và Nga đều cần một người bạn hùng mạnh trong cuộc tìm kiếm ảnh hưởng toàn cầu giữa lúc Mỹ đang là đối thủ hàng đầu. Theo lẽ đó, việc hai bên tìm đến nhau là lựa chọn chiến lược tốt nhất để đương đầu với một đối thủ mạnh mẽ hơn nhiều.
Các tàu Hải quân Trung Quốc đến TP St. Petersburg - Nga tham gia tập trận chung gần đây Ảnh: TASS
Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Nga đều không quan tâm nhiều đến những vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia cốt lõi của nhau, như Ukraine, Syria, sự mở rộng về phía Đông của NATO, tranh chấp hàng hải ở biển Đông, biển Hoa Đông hoặc Đài Loan.
Dù có chung đường biên giới dài nhất thế giới, Trung Quốc và Nga có rất ít điểm chung về lịch sử, văn hóa, tôn giáo và truyền thống. Về mặt lịch sử, cả hai có khoảng cách khá xa về vấn đề tự công nhận. Các Sa hoàng tự cho mình là những người lãnh đạo một siêu cường châu Âu, trong khi các hoàng đế nhà Thanh nhận họ là người kế thừa nền văn minh phương Đông tối cao.
Mặc dù không có chiến tranh toàn diện, quan hệ giữa Gấu Bắc Cực và Rồng phương Đông không phải lúc nào cũng hòa thuận.
Hai bên từng trải qua một số giai đoạn thù địch và mâu thuẫn, từ đụng độ biên giới vào những năm 1680 đến xung đột trong những năm 1960 và 1970.
Trong thời gian dài của mối quan hệ trên, thời kỳ liên minh thực sự giữa 2 quốc gia là không dài - 10 năm hữu nghị trong những năm 1950, phần lớn được xây dựng dựa trên sự ủng hộ quân sự quan trọng của Liên Xô đối với chiến thắng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong cuộc nội chiến.
Trong thời hiện đại, sự tranh giành ảnh hưởng ở lục địa Á - Âu của hai bên vẫn tiếp tục thông qua các cuộc đối đầu, đặc biệt là khi Liên Xô đưa quân vào Afghanistan giai đoạn 1979-1989.
Tóm lại, với một lịch sử nghi ngờ lẫn nhau, có những lúc thù địch, cùng với những xung đột về lợi ích quốc gia, khó có khả năng 2 nước lớn nhất lục địa Á - Âu này thiết lập một liên minh chiến lược toàn diện và lâu dài, kiểu như NATO.
Bình luận (0)