Tiền thân là Liên minh Hải quan ra đời năm 2010, ngoài 2 thành viên Kazakhstan và Belarus, Nga đang dẫn dắt nhiều nước hơn nữa vào liên minh này, thông qua các khoản tiền khổng lồ và thỏa thuận khí đốt.
Hôm 11-8, Tổng thống Kyrgyzstan Almazbek Atambayev xác nhận nước ông sẽ gia nhập liên minh vào cuối năm nay, sớm hơn dự định. Đây là kết quả sau cuộc gặp với ông Putin cũng như lời hứa cho Kyrgyzstan vay 1,2 tỉ USD trước đó.
Để có được cái gật đầu của Armenia, Nga cũng hào phóng xóa thuế từ đầu năm nay, giúp Armenia giảm bớt 30% số tiền phải trả để mua khí đốt, theo The Moscow Times.
Tổng thống 3 nước thuộc Liên minh Kinh tế Ấu - Á: Vladimir Putin (Nga), Alexander Lukashenko (Belarus, trái)
và Nursultan Nazarbayev (Kazakhstan, phải) trong một cuộc họp tại Điện Kremlin. Ảnh: KREMLIN.RU
Với tổng dân số hơn 178 triệu người, tổng sản phẩm nội địa (GDP) hằng năm của 3 nước nói trên hiện vào khoảng 2.700 tỉ USD. Cộng với nguồn năng lượng khổng lồ - Kazakhstan và Nga chiếm đến 1/5 trữ lượng khí thiên nhiên và 15% trữ lượng dầu của thế giới, tổng thống Nga không che giấu tham vọng khối kinh tế này sẽ là đối trọng với các siêu cường - chỉ đích danh Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc.
Sâu xa hơn, theo báo Wall Street Journal (Mỹ), Nga muốn ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng lớn của phương Tây lên các nước Liên Xô trước đây.
Tuy nhiên, hãng tin Bloomberg chỉ ra tổng GDP nói trên vẫn chưa bằng 1/5 GDP của EU hoặc Mỹ và chưa bằng 1/3 của Trung Quốc. “Liên minh này sẽ chẳng là gì trên bản đồ kinh tế thế giới” - ông Nicu Popescu, chuyên gia Viện Nghiên cứu an ninh (Pháp) - đánh giá với Bloomberg.
Ngược lại, 28 nước thành viên EU có tổng dân số 505 triệu người và GDP ở mức 16.700 tỉ USD. Do đó, học giả Nikolay Petrov của Trung tâm Carnegie Moscow kết luận động cơ của Nga với Liên minh Kinh tế Âu - Á thực chất mang tính chính trị nhiều hơn.
Không chỉ vậy, các nước từng thuộc Liên Xô không ngừng thắt chặt mối dây thương mại với châu Âu và Trung Quốc. Theo Bloomberg, EU đang là đối tác số 1 của Nga, Kazakhstan và Armenia, trong khi Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường Kyrgyzstan. Ngược lại, chuyên gia Popescu cho hay giao thương giữa Nga, Belarus và Kyrgyzstan giảm khoảng 7% trong năm 2013.
Sự lỏng lẻo trong Liên minh Kinh tế Âu - Á thể hiện rõ nhất qua sự kiện Nga cấm nhập nông sản từ EU và một số nước khác. Ngay sau lệnh cấm, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói nước ông tiếp tục nhập trái cây và thực phẩm từ châu Âu. Thẳng thắn không kém, người phát ngôn của Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev cho rằng lệnh cấm là quyết định đơn phương của Nga và Kazakhstan không có ý định dính vào.
Phát biểu với The Moscow Times, ông Alexander Knobel - giám đốc bộ phận thương mại quốc tế của Viện Gaidar - nhìn nhận lệnh cấm của Nga đã xói mòn ý tưởng về một khu vực hải quan thống nhất. Trong khi đó, dù tồn tại vô số bất đồng, EU vẫn luôn ra các quyết định với tư cách là một khối.
Hậu quả còn có thể tệ hại hơn nếu Belarus và Kazakhstan tính đường hưởng lợi bằng cách xuất khẩu lại các thực phẩm bị cấm vào Nga.
GS Julian Cooper của Trường ĐH Birmingham (Anh) nhận xét: “Xác định xuất xứ của thực phẩm đóng gói khá dễ dàng nhưng với gạo, bột... thì khó hơn nhiều”. GS Cooper kết luận nếu 2 nước kia làm thế, tương lai của Liên minh Kinh tế Âu - Á sẽ bị đe dọa.
Bình luận (0)