Câu chuyện sau đây xảy ra trong một buổi dạ tiệc hoành tráng do Viện Hàn lâm Thụy Điển (SA) tổ chức tại biệt thự Bergsgården ở Stockholm. Nó chưa bao giờ được chính thức công nhận. Hoàng gia Thụy Điển không xác nhận nhưng cũng không phủ nhận và SA, cơ quan bầu chọn và phát Giải Nobel Văn học - nơi làm việc của vợ ông Arnault, cũng vậy.
Cả châu Âu đều tỏ tường
Tuy nhiên, hầu hết các cơ quan truyền thông đại chúng lớn của Thụy Điển như đài truyền hình quốc gia STV, nhật báo Svenska Dagbladet, tuần báo Expressen… đều đăng tải chuyện này. Đặc biệt, Svenska Dagbladet còn dịch bài báo ra các thứ tiếng Anh, Pháp và Đức. Vì thế, cả châu Âu đều tỏ tường vụ việc, chứng tỏ đó không phải là tin đồn vô căn cứ nhưng có lẽ do nhạy cảm nên đã bị bỏ qua.
Như thường lệ, ông Arnault chối bỏ tất cả. Björn Hurtig, luật sư bào chữa cho ông ta, phát biểu trên báo Anh The Telegraph: "Thân chủ tôi bác bỏ hoàn toàn những luận điệu sai trái. Những tin đồn ác ý đó chỉ nhằm mục đích duy nhất là bôi nhọ tên tuổi và làm tổn thương ông ấy".
Jean-Claude Arnault và vợ, bà Katarina Frostenson Ảnh: EPA
Dù vậy, các nhân chứng không phải là vô danh tiểu tốt. Một trong số đó là GS Ebba Witt-Brattström - 64 tuổi, một chuyên gia về văn học so sánh và đối chiếu. Bà cũng là vợ cũ của ông Horace Engdahl, Viện trưởng SA, lúc bấy giờ. Bà cho biết vợ chồng mình đều có mặt tại hiện trường với tư cách là chủ nhà.
Bà Ebba kể trên tờ Expressen: "Arnault lén đến sau lưng công chúa và tôi thấy bàn tay ông ta giơ ra... Rất may, một nữ phụ tá của công chúa trông thấy, vội chạy như bay lại túm lấy ông ta xô ra chỗ khác. Công chúa xoay người lại, không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tôi đoán là công chúa chưa bị đụng chạm thật sự".
Tuy nhiên mới đây, phát biểu trên tờ The Telegraph, ông Engdahl phủ nhận thông tin có mặt tại hiện trường. Ông nói có nghe chuyện lùm xùm giữa Arnault và công chúa. Ông Engdahl cho biết vợ cũ của mình xưa nay (kể từ ngày ly dị ông sau 33 năm chung sống) "tìm đủ cách để bôi nhọ uy tín Viện SA và cá nhân tôi".
Tờ Svenska Dagbladet dẫn ba nguồn tin do nhân chứng cung cấp, trong đó có một nguồn tin của SA, cũng cho biết công chúa đã bị quấy rối. Thế nhưng, mới đây, bà Margareta Thorgren, tùy viên báo chí của Hoàng gia Thụy Điển, tuyên bố: "Chúng tôi không thể bình luận về thông tin cụ thể đăng trên Svenska Dagbladet dù hoàng gia ủng hộ hết mình phong trào chống quấy rối và bạo hành tình dục "MeToo". Những thông tin chung quanh ông Arnault tiết lộ hồi mùa thu năm ngoái quả là khủng khiếp".
Tờ Expressen cũng xác nhận bà Thorgren đã bác bỏ thông tin nêu trên khi được phóng viên phỏng vấn hồi tháng 12-2017. Tuy nhiên, tờ báo này cho biết sau đó, hoàng gia đã yêu cầu ông Engdahl thực hiện "các biện pháp cần thiết" để công chúa không ở một mình với nhà nhiếp ảnh tai tiếng. Đó cũng là một lời cảnh báo đối với ông Engdahl - được cho là dung túng những hành vi quấy rối tình dục hàng loạt của Arnault. Vào thời điểm đó, ông Arnault mới 59 tuổi, còn công chúa 27 tuổi.
"Kẻ dối trá"?
Ai yêu văn học Thụy Điển đều biết bà Katarina Frostenson Arnault, năm nay 65 tuổi, là một nhà thơ hàng đầu ở quê nhà. Bà được bầu làm viện sĩ SA suốt đời từ năm 1992. Năm 2003, bà từng được tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh. Ngoài ra, bà còn nhận được Giải Bellman Prze 1994 (nhà thơ xuất sắc nhất Thụy Điển), Giải thơ trữ tình xuất sắc nhất của Đài Phát thanh Thụy Điển (1996), Giải thưởng của Hội đồng Văn học Bắc Âu (2016)…
Frostenson bắt đầu gặp rắc rối hồi năm ngoái sau khi chồng bà, ông Jean-Claude Arnault, bị kiện cáo về tội quấy rối và bạo hành tình dục. Frostenson còn bị báo chí tố cáo tham ô quỹ (SA trợ cấp 12.000 euro/năm) Trung tâm Văn hóa Forum do vợ chồng bà sáng lập.
Thế là bà Frostenson đối mặt nguy cơ bị trục xuất khỏi SA. Dư luận yêu cầu Frostenson rời khỏi SA vì chồng bà đã làm ô uế viện và bà đã kháng cự quyết liệt. Theo bà, không thể trừng phạt một phụ nữ vì những hành vi sai trái của chồng. Lập luận này được nhiều người có máu mặt ủng hộ. Trước hết là ông Per Wastberg, Chủ tịch Hội đồng Nobel về Văn học.
Ông Wastberg chính là người đề xuất Hoàng gia Thụy Điển tặng thưởng Huân chương Bắc đẩu bội tinh cho ông Arnault. Trong các phiên họp nội bộ SA, thoạt đầu, ông công khai chống lại ý kiến buộc bà Frostenson rời khỏi viện nhưng sau đó đổi ý.
Sau khi nhận thấy hành vi của Arnault là "quá sức tưởng tượng", ông Wastberg bắt đầu chỉ trích bà Frostenson là "kẻ dối trá". Theo ông, Frostenson đã không một lời thừa nhận bà mắc sai lầm mà còn khăng khăng tự bảo vệ mình và bảo vệ chồng - cho rằng bị báo chí đối xử khắc nghiệt, "thiếu điều đóng đinh lên cây thập giá".
Bà Frostenson cũng được cựu viện trưởng Engdahl ủng hộ hết mình. Trên Expressen, ông mạt sát đối thủ của mình ở SA là "một đám người thất bại xấu xa, âm mưu làm nhục Frostenson". Song, cuối cùng thì cả hai buộc phải tuyên bố rời bỏ ghế viện sĩ SA suốt đời.
Nữ viện trưởng Sara Danius là người kêu gọi trục xuất bà Frostenson ra khỏi SA mạnh mẽ nhất sau khi xác nhận từng bị chồng bà này quấy rối tình dục. Thế nhưng, nữ viện trưởng đầu tiên trong lịch sử SA cũng bị đồng môn buộc phải từ chức.
Bắt đầu công bố các giải Nobel
Không có giải văn học nhưng bắt đầu từ hôm nay, 1-10, các giải Nobel khác sẽ lần lượt được công bố. Khoảng 329 cái tên được chốt trong danh sách những người có tiềm năng ẵm giải Nobel các loại với số tiền thưởng 9 triệu cuaron/giải (khoảng 23,6 tỉ đồng).
Đầu tiên là Giải Nobel Y học, tiếp theo là các giải Vật lý, Hóa học. Riêng Giải Nobel Hòa bình sẽ được Na Uy tuyên bố ngày 5-10. Có tin Tổng thống Mỹ Donald Trump là ứng cử viên sáng giá nhất của giải này. Tuy nhiên, theo Dan Smith, Viện trưởng Viện Nghiên cứu về Hòa bình của Thụy Điển, tặng thưởng ông chủ Nhà Trắng vào lúc này là không thích hợp vì ông quyết định rút khỏi nhiều hiệp ước quốc tế quan trọng.
Cuối cùng, ngày 8-10, Giải Nobel Kinh tế sẽ được công bố để tưởng nhớ công lao ông Alfred Nobel do Ngân hàng Thụy Điển đề xuất.
Bình luận (0)