Hãng tin SPA của Ả Rập Saudi dẫn nguồn tin Bộ Ngoại giao cho biết: "Liên quan đến tình hình ở Cộng hòa Lebanon, nguồn tin chính thức từ Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi yêu cầu tất cả công dân đang thăm hoặc đang ở Lebanon rời khỏi đây càng sớm càng tốt. Vương quốc khuyến cáo tất cả công dân không đến Lebanon từ bất kỳ khu vực nào trên thế giới".
Chỉ vài giờ sau, Kuwait và UAE cũng kêu gọi công dân mình rời Lebanon ngay lập tức. Trong khi đó, Bahrain - đồng minh của Ả Rập Saudi – đã ra lệnh cho công dân nước này rời khỏi Lebanon bắt đầu từ ngày 12-11 tới. Đối với du khách định tới Lebanon, Bộ Ngoại giao Bahrain đưa ra cảnh báo về vấn đề an toàn.
Những động thái trên làm gia tăng nỗi lo xung đột có thể sớm nổ ra ở Lebanon.
Hành khách tại sân bay quốc tế Rafik Hariri ở TP Beirut - Lebanon hôm 9-11. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Saad al-Hariri (trái) gặp Vua Salman của Ả Rập Saudi hôm 6-11 tại thủ đô Riyadh. Ảnh: REUTERS
Lebanon đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị sau khi Thủ tướng Saad al-Hariri tuyên bố từ chức hôm 4-11. Ông al-Hariri sau đó tới Ả Rập Saudi và chưa quay về nước. Đài Al Jazeera hôm 9-11 dẫn nguồn tin tiết lộ ông al-Hariri có thể đang bị quản thúc tại gia hoặc bị cầm giữ tại thủ đô Riyadh. Tuy nhiên, Ả Rập Saudi phủ nhận thông tin này.
Tổng thống Lebanon Michel Aoun sẽ sớm kêu gọi sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, Liên đoàn Các quốc gia Ả Rập (AL), Mỹ, Anh, Trung Quốc và Nga để tìm hiểu nguyên nhân đằng sau tuyên bố từ chức bất ngờ của ông al-Hariri. Vị thủ tướng Lebanon trước đó nói lý do ông từ chức là vì sợ bị ám sát.
Hãng tin Reuters hôm 9-11 dẫn lời một quan chức cấp cao của Lebanon nói rằng chính phủ nước này không nhận được đơn xin từ chức của ông al-Hariri, vì vậy vẫn xem ông là thủ tướng.
Trong bài phát biểu được thực hiện và phát sóng từ thủ đô Riyadh của Ả Rập Saudi hôm 4-11, ông al-Hariri chỉ trích Iran và phong trào Hezbollah (Lebanon) được Tehran hậu thuẫn, nhấn mạnh Iran đã "thất bại trong việc can thiệp vào các vấn đề của thế giới Ả Rập" và Lebanon sẽ "trỗi dậy như đã từng làm trong quá khứ, đồng thời tiêu diệt kẻ xấu".
Điều này làm dấy lên lo ngại về sự leo thang chia rẽ giữa Iran và các quốc gia vùng Vịnh - chủ yếu là Ả Rập Saudi.
Bình luận (0)