Giới chức Mỹ gọi đây là động thái mở đường cho các cuộc không kích nhằm vào IS ở Syria giữa lúc Damascus tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Washington cũng như Liên Hiệp Quốc để chống “chủ nghĩa khủng bố”.
Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp báo hôm 25-8 ở thủ đô Damascus, Ngoại trưởng Syria Walid Muallem cảnh báo: “Bất kỳ hành động quân sự nào diễn ra bên trong lãnh thổ Syria cần được phối hợp với chính phủ, nếu không sẽ bị coi là xâm lược”.
Dù vẫn còn hạn chế nhưng đây là lần đầu tiên kể từ khi lún sâu vào cuộc nội chiến bắt đầu hồi tháng 3-2011, Syria nói chuyện hợp tác với Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế để giải quyết vấn đề liên quan tới người Hồi giáo.
Máy bay chiến đấu Mỹ cất cánh từ tàu sân bay USS George H.W. Bush
để tấn công các mục tiêu của nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Iraq. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Kabul của Afghanistan hôm 26-8, tướng Martin Dempsey - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - khẳng định Washington muốn có cái nhìn rõ ràng hơn về “sự tồn tại và hoạt động của IS ở Syria trong lúc xem xét các bước đi tiếp theo”. Tuy nhiên, ông Dempsey không bình luận về các chuyến bay trinh sát của Mỹ trên đất Syria.
Trong khi đó, 2 quan chức giấu tên của Mỹ nói với đài CNN rằng những dữ liệu mà quân đội và tình báo nước này thu thập về vị trí của IS ở Syria có thể được sử dụng trong thời gian tới nếu Tổng thống Obama quyết định không kích tại Syria.
Ông chủ Nhà Trắng vốn không mặn mà với ý định can thiệp quân sự vào Syria, bước đi có thể khiến Mỹ sa chân vào cuộc nội chiến dai dẳng ở quốc gia Trung Đông này, dù chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad bị coi là “thù địch” với Washington. Tuy nhiên, tính toán của ông Obama dường như đã thay đổi từ khi IS “khoe” video chặt đầu nhà báo James Foley khiến thế giới chấn động.
Bước đi trên diễn ra giữa lúc chính quyền Damascus đang mất kiểm soát với khu vực Đông Bắc. Cuối tuần qua, IS đã chiếm căn cứ không quân Tabqa và lấy đi một lượng đáng kể tên lửa đất đối không vác vai (MANPADS). Đây là căn cứ chiến lược đồng thời là thành trì cuối cùng của chính quyền Assad tại tỉnh Raqqa.
Giới chức và các chuyên gia Mỹ nhận định sức mạnh của IS đang gia tăng và chúng tỏ ra rất chuyên nghiệp với kế hoạch tinh vi và thông suốt nhằm xây dựng “đế chế Hồi giáo” kéo dài từ Syria tới các sa mạc phía Tây và Bắc Iraq. Không những thế, một đoạn video mới công bố của IS cho thấy nhóm này dùng máy bay không người lái để lập kế hoạch chiến đấu.
Đáng lo ngại không kém là nhóm phiến quân nguy hiểm này còn tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để chiêu mộ lực lượng trên khắp thế giới. Trong nỗ lực đối phó, chính phủ Úc hôm 26-8 công bố gói ngân sách gần 60 triệu USD để ngăn chặn làn sóng thanh niên mù quáng bị lôi kéo vào các nhóm cực đoan ở Trung Đông như IS.
Chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng phải thừa nhận IS “là nhóm phiến quân tinh vi và mạnh về tài chính hơn bất cứ nhóm khủng bố nào trước đây”. Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin tình báo và chuyên gia tài chính chống khủng bố của Mỹ cho hay hiện IS đã kiểm soát một khu vực (gồm cả Iraq và Syria) lớn hơn diện tích nước Anh và đang kiếm hơn 2 triệu USD/ngày từ các hoạt động bán dầu, tống tiền, đánh thuế và buôn lậu.
Cách kiếm tiền dựa vào các giếng dầu của IS được cho là có nhiều nét tương đồng với phiến quân Taliban làm mưa làm gió hàng chục năm qua ở Afghanistan mà ngay cả các cuộc không kích của Mỹ vẫn chưa thể nhổ rễ tận gốc.
Hai người hành quyết nhà báo James Foley?
Đài CNN (Mỹ) hôm 26-8 dẫn lời giới chức điều tra cho rằng có đến 2 tay súng mang mặt nạ trong đoạn video hành quyết nhà báo James Foley. Một người đọc “diễn văn” bằng tiếng Anh giọng Anh được cho là đến từ khu vực đa văn hóa ở London, trong khi người còn lại ra tay hành quyết nhiều khả năng thuận tay trái.
Thông tin nói trên được đưa ra giữa lúc hé lộ nhiều chi tiết đáng chú ý về nghi phạm số một giết ông Foley - được xác định là cựu ca sĩ hát rap ở London có tên Abdel-Majed Abdel Bary. Theo Daily Telegraph, cha của nghi phạm 23 tuổi này là Adel Abdel Bary (54 tuổi), từng là một phụ tá thân cận của trùm khủng bố Osama bin Laden. Hiện y đang bị giam giữ tại New York - Mỹ chờ xét xử vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ tại Kenya và Tanzania vào năm 1998.
Bình luận (0)