Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết Mỹ sẽ chỉ triển khai một đội đặc nhiệm gồm “chưa đến 50 binh sĩ” đến vùng lãnh thổ do người Kurd kiểm soát ở phía Bắc Syria. Đội đặc nhiệm này sẽ giúp đỡ người Kurd và các lực lượng Ả Rập chống IS nhưng chỉ trong phạm vi “cố vấn, hỗ trợ”, chủ yếu tập trung vào công tác hậu cần. Theo kế hoạch hiện tại, họ sẽ không trực tiếp chiến đấu, nhưng có quyền tự vệ và có thể xin phép nếu cần thiết phải ra chiến trường.
Việc triển khai lực lượng đặc nhiệm này là động thái “tăng cường” đáng kể nhất của quân đội Mỹ trong chiến dịch chống IS cho đến nay.
Ông Obama sẽ lần đầu tiên đưa lực lượng thực địa sang Syria sau những đợt không kích không mấy hiệu quả. Ảnh minh họa: CNN
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay khi đến miền Bắc Syria, lực lượng đặc nhiệm này sẽ phối hợp với liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu và các lực lượng mặt đất. Lực lượng địa phương ở khu vực này đang là một trong những đối tác hiệu quả nhất của Mỹ trong việc đối phó IS.
Phát ngôn viên Josh Earnest cũng bác bỏ những lời chỉ trích rằng lực lượng đặc nhiệm ít người như vậy sẽ không đủ và không phù hợp. Ông Josh nhấn mạnh rằng “Đây là lực lượng hỗ trợ quan trọng đối với bất cứ nơi nào trên thế giới mà họ được phái đến”.
“Ngài Tổng thống hy vọng họ sẽ tạo tác động tích cực để tăng cường chiến lược, quy mô và năng lực cho các lực lượng địa phương tại Syria để họ có thể đối phó IS ngay trên đất nước mình. Ngay từ đầu việc nâng cao năng lực chiến đấu cho các lực lượng địa phương trên mặt đất vẫn luôn là yếu tố cốt lõi trong chiến lược hỗ trợ quân sự của chúng tôi” - ông Earnest phát biểu.
Theo một sỹ quan cấp cao của lực lượng phòng vệ Mỹ, nhóm đầu tiên của đội đặc nhiệm này (gồm khoảng 24 người) sẽ có mặt ở Syria trong tháng 11. Khi đến đó, họ sẽ chủ yếu làm việc ở một trụ sở không chính thức cùng đại diện của người Kurd, người Ả Rập và các lực lượng khác. Vị trí cụ thể sẽ không được tiết lộ vì các lo ngại an ninh.
Quyết định trên đánh dấu lần đầu tiên Mỹ triển khai lính trên thực địa sau hơn một năm mở các chiến dịch không kích nhưng không mấy hiệu quả.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Hội nghị Quốc tế Mở rộng về giải quyết cuộc khủng hoảng Syria đang diễn ra tại thủ đô Vienna của Áo với sự tham gia của đại diện 17 nước và 2 phái đoàn của Liên minh châu Âu (EU) và Liên Hiệp Quốc.
17 nước khác tham gia hội nghị đã kêu gọi về một lệnh ngừng bắn trên toàn quốc tại Syria, nối lại cuộc đàm phán do Liên Hiệp Quốc làm trung gian giữa chính quyền Damascus và phe đối lập cũng như tiến hành các cuộc bầu cử mới. Tuy vẫn còn những bất đồng lớn, song các bên đều nhất trí "cần đẩy nhanh các nỗ lực ngoại giao để chấm dứt cuộc chiến" ở Syria.
Một trong những bất đồng lớn nhất giữa các bên liên quan đến số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, ông Assad nên từ bỏ quyền lực để mở đường cho các thỏa thuận chấm dứt nội chiến nhưng Ngoại trưởng Nga và Ngoại trưởng Iran không đồng tình. Tuy vậy, các bên vẫn khẳng định sẽ tiếp tục thảo luận để đạt được một giải pháp chính trị hiệu quả.
Bình luận (0)