Sau một ngày đêm kịch chiến, lính thủy đánh bộ Philippines đã thành công trong việc lấn sâu vào TP Marawi, tiếp tục thu hẹp phạm vi hoạt động của nhóm phiến quân Maute thề trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Đặt mốc giải phóng Marawi
Tuy nhiên, cái giá cho chiến thắng trên không hề thấp. Theo trang Rappler (Philippines), quân đội nước này mất 13 lính thủy đánh bộ và 40 người khác bị thương sau 16 giờ giao tranh hôm 9-6. Đài GMA News đưa tin nhóm phiến quân thân IS được trang bị súng chống tăng và các thiết bị nổ tự tạo, ngoài ra còn có lực lượng bắn tỉa yểm trợ.
Đây là thiệt hại lớn nhất trong một ngày mà phía Philippines hứng chịu kể từ vụ 10 binh lính thiệt mạng do đồng đội bắn nhầm hôm 1-6. Trận chiến ngày 9-6 nâng tổng số cảnh sát và binh sĩ Philippines thiệt mạng ở Marawi lên 58 người.
Rappler cho hay quân đội Philippines đặt mục tiêu giải phóng Marawi vào ngày 12-6. Tuy nhiên, mục tiêu này không hề dễ bởi hiện còn hơn 200 tay súng và khoảng 500-1.000 dân thường trong vùng giao tranh. Trong bối cảnh đó, quân đội Philippines lần đầu tiên thừa nhận Mỹ đang hỗ trợ họ trong cuộc chiến giành lại Marawi. "Họ không trực tiếp chiến đấu. Họ chỉ hỗ trợ về mặt kỹ thuật" - trung tá Jo-Ar Herrera, phát ngôn viên quân đội Philippines, nhấn mạnh trong cuộc họp báo ngày 10-6 tại Marawi.
Theo báo chí địa phương, một máy bay do thám P3 Orion của Mỹ bay lượn phía trên Marawi hôm 9-6.
Việc Mỹ tham gia cuộc giao tranh - hiện kéo dài 3 tuần - là diễn biến đáng chú ý bởi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhiều lần tuyên bố "đuổi" quân Mỹ ra khỏi đất nước.
Kiểm tra tại một chốt gác do quân đội Philippines lập nên ở TP Marawi Ảnh: REUTERS
Singapore, Thái Lan đối phó
Sự kiện Marawi, thành phố trên hòn đảo Mindanao ở phía Nam Philippines, bị phiến quân Maute tấn công từ ngày 23-5 là hồi chuông báo động đối với Đông Nam Á. Đáng lưu ý, trong số khoảng 40 tay súng nước ngoài đứng trong hàng ngũ Maute ở Marawi chủ yếu là người Indonesia và Malaysia.
Trước thông tin có người Singapore chiến đấu cho Maute mà phía Philippines công bố, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thừa nhận các nhóm ly khai ở Đông Nam Á đang gây ra "nguy cơ rõ ràng và hiện hữu" cho đảo quốc này. Trả lời đài phát thanh ABC của Úc hôm 10-6, ông Lý cho biết ngoài Maute, một số người Singapore còn đầu quân cho nhóm Abu Sayyaf - cũng hoạt động ở miền Nam Philippines - hay đi xa hơn để chiến đấu cho IS ở Iraq hoặc Syria.
Thủ tướng Lý Hiển Long cũng thẳng thắn nhìn nhận việc xảy ra tấn công ở Singapore chỉ là vấn đề thời gian. "Chúng tôi đang cố hết sức để đối phó. Nguy cơ không chỉ nằm ở thương vong mà còn là những tác hại tâm lý đánh vào niềm tin giữa các chủng tộc và tôn giáo khác nhau ở Singapore" - ông Lý nói.
Giới chuyên gia lo ngại tình hình ở Thái Lan hơn bởi IS có thể lợi dụng cuộc xung đột dai dẳng giữa chính quyền và các nhóm Hồi giáo vũ trang ở miền Nam nước này - đã giết chết hơn 6.000 người kể từ năm 2004 - để âm thầm xâm nhập. Tuần trước, Thái Lan bắt đầu tuần tra 24/24 giờ tại các tỉnh giáp Malaysia là Narathiwat và Yala, sau khi có tin bắt được một nhóm chân rết IS buôn lậu vũ khí dọc biên giới 2 nước.
Dù vậy, theo báo Straits Times (Singapore), Bangkok tỏ ra tự tin vì cho rằng IS và cộng đồng Hồi giáo ở miền Nam Thái Lan khác hẳn nhau về hệ tư tưởng. Đại tá Pramote Prom-in, người phát ngôn của Bộ Chỉ huy Các hoạt động an ninh nội địa của Quân khu 4 Thái Lan, giải thích các nhóm ở miền Nam đòi tự trị, trong khi IS theo đuổi khía cạnh cực đoan của đạo Hồi.
Chuyên gia Don Pathan dẫn chứng rằng Barisan Revolusi Nasional (BRN), nhóm Hồi giáo lớn ở miền Nam Thái Lan, đã tuyên bố rất rõ là không chào đón IS. Mổ xẻ sâu hơn, nhà phân tích Matthew Wheeler của Nhóm Khủng hoảng quốc tế (Bỉ) nói: "Cúi đầu để những kẻ bên ngoài áp đặt mục tiêu chiến đấu sẽ gây phản tác dụng, nếu không muốn nói là hành động tự sát đối với BRN".
Bình luận (0)