Tư lệnh Hải quân Emmanuel Salamat xác nhận con số thương vong với đài GMA News hôm 10-6 và cho biết lực lượng chính phủ đã giao tranh với nhóm phiến quân Maute suốt 16 giờ tại xã Lilod Madaya.
GMA News đưa tin nhóm phiến quân thân IS được trang bị súng chống tăng và các thiết bị nổ tự tạo trong cuộc chiến. Ngoài ra, chúng còn được lực lượng bắn tỉa yểm trợ.
Cơ quan chức năng Philippines tin rằng các tay súng cũng bị thương vong trong cuộc đụng độ. Trận chiến ngày 9-6 nâng tổng số cảnh sát và binh sĩ thiệt mạng ở Marawi lên 58 người.
Quân đội Philippines tại TP Marawi. Ảnh: REUTERS
Trong lúc giao tranh ở Marawi đã kéo dài 3 tuần, quân đội Philippines lần đầu cho biết lực lượng quân sự Mỹ đang hỗ trợ kỹ thuật cho nước này đẩy lùi nhóm phiến quân thân tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khỏi TP Marawi.
Trước đó, một phát ngôn viên đại sứ quán Mỹ tại Manila tiết lộ với hãng tin Reuters rằng theo yêu cầu của chính phủ Philippines, các lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang giúp đỡ nước này giải phóng TP Marawi.
Trung tá Jo-Ar Herrera, phát ngôn viên quân đội Philippines, xác nhận sự giúp đỡ của Mỹ tại một cuộc họp báo ngày 10-6. "Họ không trực tiếp chiến đấu mà chỉ hỗ trợ kỹ thuật" - trích lời ông Herrera.
Truyền thông địa phương đưa tin một chiếc máy bay trinh sát P3 Orion của Mỹ được nhìn thấy bay trên TP Marawi hôm 9-6. Trước đó, không hề có thông tin xác nhận về việc Philippines tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ trong cuộc chiến tại Marawi.
Việc hàng trăm phiến quân thề trung thành với IS, trong đó bao gồm hàng chục tay súng đến từ các nước láng giềng và Trung Đông, chiếm đóng TP Marawi từ ngày 23-5 khiến nhiều người lo ngại rằng tổ chức cực đoan này đang giành được chỗ đứng tại Đông Nam Á.
Sự giúp đỡ của Mỹ diễn ra vài tháng sau khi mối quan hệ đồng minh lâu dài của hai nước trở nên căng thẳng vì thái độ thù địch của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte với Washington và tuyên bố đuổi quân đội Mỹ ra khỏi Philippines của ông.
Mỹ và Philippines vốn có mối quan hệ đồng minh trong nhiều thập kỷ. Điều này giúp Washington có chỗ đứng chiến lược tại châu Á và tạo thành tấm khiên cho Manila trước sự lấn lướt của Trung Quốc tại khu vực.
Tuy nhiên, từ khi lên nhậm chức, Tổng thống Duterte đã công khai ghét bỏ đồng minh, xem Mỹ là một trở ngại trong việc nối lại quan hệ với Trung Quốc và liên tục chỉ trích Washington vì đối xử với Philippines như một chư hầu.
Washington triển khai đặc nhiệm tới Mindanao - Philippines vào năm 2002 để huấn luyện và cố vấn cho quân đội chủ nhà chống lại phiến quân Abu Sayyaf. Từng có lúc binh lính Mỹ tại đây lên tới 1.200 người. Chiến dịch này đứt quãng từ năm 2015 nhưng Mỹ vẫn duy trì một lực lượng nhỏ ở khu vực này để đảm bảo hậu cần và hỗ trợ kỹ thuật.
Bình luận (0)