Theo ông chủ Điện Kremlin, thỏa thuận là nỗ lực chung của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Thỏa thuận ngừng bắn nói trên có hiệu lực vào giữa đêm cùng ngày (giờ địa phương). Phạm vi áp dụng là mọi khu vực đang diễn ra xung đột vũ trang giữa các nhóm đối lập và lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuy nhiên, thỏa thuận không áp dụng cho các tổ chức khủng bố, như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Jabhat Fateh al-Sham (tên cũ là Mặt trận al-Nusra).
Bước đi trên diễn ra theo sau thỏa thuận ngừng bắn - cũng do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán - ở phía Đông Aleppo và sơ tán dân cư, các tay súng thuộc phe đối lập ôn hòa khỏi đó. Các lệnh ngừng bắn trước đó, do Liên Hiệp Quốc làm trung gian hoặc do Nga - Mỹ phối hợp, đều nhanh chóng sụp đổ.
Trong trường hợp thỏa thuận ngừng bắn mới thành công, chế độ Assad và phe đối lập sẽ bắt đầu thảo luận biện pháp chính trị giải quyết xung đột Syria ở thủ đô Astana - Kazakhstan, dự kiến vào giữa tháng 1-2017 dưới sự bảo trợ của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo trang Business Insider, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết Ả Rập Saudi và Qatar có thể được mời tham gia đàm phán bên cạnh Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran.
Hãng tin Newsru ngày 29-12 tiết lộ 3 nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran dự định chia Syria ra thành các khu vực ảnh hưởng nhưng vẫn chịu sự lãnh đạo của chính quyền Assad. Như vậy, khả năng tồn tại các khu vực tự trị bên trong liên bang có thể trở thành hiện thực ở Syria. Theo thỏa thuận giữa bộ ba nói trên, ông Assad có thể bị cắt giảm quyền hành nhưng được nắm quyền cho đến khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống kế tiếp. Ông Andrei Kortunov, tổng giám đốc Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế, nhấn mạnh hiện đã nổi lên một số nhân vật kế nhiệm tiềm năng nhưng danh tính không được hé lộ.
Có 2 điểm đáng chú ý về nỗ lực hòa bình mới nhất nói trên. Trước hết, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hiện ủng hộ 2 phe đối nghịch trong cuộc chiến ở Syria - Moscow hỗ trợ chế độ Assad, còn Ankara đứng về phía phe đối lập.
Thứ hai, vai trò của Mỹ là con số 0 tròn trĩnh. Washington không được mời tham dự hội nghị Thổ Nhĩ Kỳ - Nga - Iran ở Moscow hôm 20-12. Trước đó, vào đầu tháng 12, đại diện Mỹ cũng không có mặt tại tham gia cuộc đàm phán giữa giới chức Nga và các phe phái đối lập Syria do Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức ở Ankara. Phản ứng trước những động thái này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner hôm 28-12 tuyên bố Washington ủng hộ mọi nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.
Ông Aaron Stein, chuyên gia Hội đồng Atlantic (Mỹ), nhận định với báo The New York Times rằng những gì diễn ra ở trên cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang ngả về Nga bất chấp vụ ám sát đại sứ Nga tại Ankara Andrei Karlov hôm 25-12 vừa qua. Các thông báo được công bố sau đó cho thấy 2 nước này quyết không để vụ việc phá hỏng tình hữu nghị mới được gầy dựng lại, cũng như đẩy mạnh chống khủng bố.
Bình luận (0)