Theo báo The Wall Street Journal hôm 8-5, khoản tiền 7,5 tỉ USD nói trên nếu được thông qua sẽ dành để đầu tư cơ sở hạ tầng, các cuộc tập trận, triển khai quân đội và trang thiết bị của hải quân Mỹ.
Kế hoạch do Thượng nghị sĩ John McCain đề xuất, sau đó được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và Đô đốc Harry Harris – Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ - hỗ trợ. Chi tiết về kế hoạch này vẫn chưa được tiết lộ.
Tại phiên điều trần mới đây tại quốc hội, ông Mattis nói: "Tôi chưa rõ các chi tiết trong kế hoạch của thượng nghị sĩ McCain nhưng tôi ủng hộ các luận điểm mà ông ấy đã vạch ra cùng với tầm quan trọng mà ông ấy đặt vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương".
Kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương do ông McCain đề xuất. Ảnh: REUTERS
Sáng kiến Ổn định châu Á - Thái Bình Dương được xem là nỗ lực nhằm tăng cường niềm tin đối với cam kết của Mỹ tại khu vực là giải quyết mối quan hệ căng thẳng với Triều Tiên. Đây cũng là một phần trong nỗ lực thay đổi chính sách "xoay trục" (do cựu Tổng thống Barack Obama phát động) sang "Chính sách châu Á" của đương kim Tổng thống Donald Trump.
The Wall Street Journal cho biết việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực có thể giúp trấn an các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc có thể gặp trục trặc vì Bắc Kinh lo ngại các hoạt động triển khai quân sự của Washington tại châu Á sẽ đe dọa trực tiếp đến lợi ích của nước này.
Chính quyền Tổng thống Trump đã yêu cầu tăng chi tiêu quân sự thêm 54 tỉ USD trong năm tài chính kế tiếp dù chưa rõ khoản tiền sẽ được phân bổ như thế nào cũng như lấy ngân sách tài trợ từ đâu. Kế hoạch dự kiến được thực thi trong vòng 5 năm tới.
Hải quân Mỹ không thay đổi chính sách về tự do hàng hải
Theo Reuters, ngày 8-5, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift, khẳng định không có sự thay đổi nào về chính sách liên quan đến quyền tự do hàng hải của Hải quân Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Trả lời báo giới tại Singapore về những hoạt động của Hải quân Mỹ nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải, ông Swift nêu rõ: "Không có gì thay đổi đáng kể trong vòng 2 đến 3 tháng qua".
Trước đây, hải quân Mỹ tiến hành một số cuộc tuần tra ở biển Đông nhưng dưới thời Tổng thống Trump, chưa có hoạt động tương tự nào diễn ra ở vùng biển quốc tế này.
Báo The New York Times tuần rồi đưa tin Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ hồi tháng 3 đề nghị được tiếp cận bãi cạn Scarborough (Philippines tuyên bố chủ quyền nhưng bị Trung Quốc kiểm soát từ năm 2012) nhưng Lầu Năm Góc từ chối. Giới phân tích cho rằng Washington muốn tránh gây phiền phức với Bắc Kinh vì còn phải nhờ vả nước này giúp kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên.
Trong khi đó, so với năm ngoái, cuộc tập trận "Vai kề vai" năm nay giữa Mỹ và Philippines đã giảm quy mô, chỉ có 5.400 quân nhân (2.600 của Mỹ và 2.800 của Philippines) tham dự, bằng một nửa năm 2016 (tổng số 11.000 binh sĩ).
Sự thay đổi này bắt nguồn từ thái độ của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, trong đó "quay lưng" với đồng minh an ninh Mỹ, đồng thời mở rộng quan hệ với Nga và Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tiết lộ nội dung của tập trận khởi động ngày 8-5 này cũng thay đổi, tập trung vào hỗ trợ nhân đạo, ứng phó thiên tai và chống khủng bố.
Bình luận (0)