Phát ngôn viên phái đoàn Liên Hiệp Quốc của Iran, ông Hamid Babaei, gọi hành động từ chối cấp thị thực cho Đại sứ Hamid Aboutalebi là một “trường hợp đáng tiếc” nhưng không cho biết Tehran sẽ phản ứng lại bằng cách nào.
Ngày 12-4, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ali Araqchi tuyên bố nước này sẽ không tính đến việc bổ nhiệm ứng viên thay thế ông Aboutalebi và cho hay sẽ theo đuổi vụ việc “thông qua các cơ chế hợp pháp tại Liên Hiệp Quốc”.
Ông Hamid Aboutalebi. Ảnh: Reuters
Động thái của chính phủ Mỹ làm dấy lên lo ngại sẽ ảnh hưởng đến cuộc đàm phán hạt nhân đang diễn ra giữa Tehran và nhóm P5+1.
Chính quyền Washington cáo buộc ông Aboutalebi có liên quan đến vụ chiếm giữ đại sứ quán Mỹ ở Tehran vào tháng 11-1979 và bắt 52 người Mỹ làm con tin trong 444 ngày. Sau sự kiện này, Mỹ và Iran cắt đứt quan hệ ngoại giao.
Phát ngôn viên Babaei khẳng định ông Aboutalebi chỉ đóng vai trò thông dịch viên cho nhóm chiếm đại sứ quán Mỹ chứ không dính líu trực tiếp, đồng thời cáo buộc Mỹ có thể vi phạm luật pháp quốc tế thông qua hành động kể trên.
Hồi tuần trước, quốc hội Mỹ thông qua dự luật từ chối cấp thị thực cho ông Aboutalebi. Tiếp đó, Tổng thống Barack Obama “chia sẻ các điều khoản dự luật” và phê chuẩn, theo phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carneys. Ông Carneys xác nhận đây là vmâu thuẫn của riêng Mỹ và Iran, do đó không nên ảnh hưởng đến tiến trình đối thoại về chương trình hạt nhân.
Liên quan tới vấn đề trên, người phát ngôn Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric hy vọng hai bên sớm tìm được một giải pháp đồng thuận.
Một trường hợp khác từng bị Mỹ từ chối cấp thị thực để phát biểu tại Liên Hiệp Quốc, đó là cố Tổng thống Palestine Yasser Arafat vào năm 1998.
Bình luận (0)