Hôm 15-9, Reuters cho biết Nga và Mỹ đang cân nhắc thỏa thuận ngừng bắn 7 ngày ở Syria trước khi chuyển sang giai đoạn phối hợp tấn công các nhóm khủng bố gồm phong trào Mặt trận Al-Nursa (đã đổi tên thành Jabhat Fatah al-Sham) và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, thỏa thuận sẽ có hiệu lực từ ngày 19-9 tới.
Lúc đó, Washington và Moscow về lý thuyết có thể sử dụng các trung tâm phối hợp (JIC) để chia sẻ thông tin mục tiêu. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nhấn mạnh JIC sẽ không thể hiện ưu thế bằng JOC – trung tâm hoạt động kết hợp điển hình tại vùng chiến sự. Mỗi JOC đều trang bị hệ thống máy tính tối tân cùng màn hình cỡ đại để truyền trực tiếp hình ảnh các máy bay vũ trang đang tiến hành không kích.
Giới chức tình báo Mỹ cũng lo ngại về việc chia sẻ thông tin vị trí của lực lượng phiến quân do nước này hậu thuẫn cho Nga. Trong quá khứ, Washington tin rằng Moscow đã từng nhắm mục tiêu vào lực lượng này. Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết: “Người Nga không sử dụng vũ khí dẫn đường chính xác ở Syria. Vì vậy, đó sẽ là cái cớ hoàn hảo để họ nói: ‘Xin lỗi, chúng tôi không cố ý nhắm vào lực lượng phiến quân của các bạn’”.
Hợp tác với Nga còn gặp rào cản về pháp lý. Mỹ đang duy trì một đạo luật trong đó quy định những hạn chế nghiêm ngặt về hợp tác quân sự với Moscow. Trong trường hợp muốn đẩy mạnh hợp tác, Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter sẽ cần phải vượt qua đạo luật này.
Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ, tướng Joseph Votel, thừa nhận Mỹ đã ít nhiều mất lòng tin với Nga, sau khi Moscow mở chiến dịch không kích hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 30-9-2015 và sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine tháng 3-2014.
Trong khi đó, cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Evelyn Farkas đúc kết lại: Tiến hành các hoạt động quân sự chung với Nga tiềm ẩn những rủi ro về chính trị, quân sự và pháp lý.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga hôm 15-9 cáo buộc Mỹ dùng lời lẽ mơ hồ để giấu giếm miễn cưỡng trong thực hiện bổn phận của nước này với thỏa thuận ngừng bắn tại Syria. Phía Nga cho biết một số nhóm "lực lượng nổi dậy ôn hòa" do Mỹ hậu thuẫn vẫn tiếp tục tấn công vào các khu dân cư.
Cùng ngày, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết ít nhất 23 người thiệt mạng trong các cuộc không kích nhằm vào thị trấn Al-Mayadin thuộc tỉnh Deir Ezzor ở miền Đông Syria, do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm giữ. Trong số người thiệt mạng có 9 trẻ em. Hiện chưa rõ lực lượng nào đứng sau cuộc không kích này.
Mỹ không công nhận bầu cử Duma Quốc gia Nga tại Crimea
Đại sứ Mỹ tại Kiev Marie L. Yovanovitch hôm 15-9 tuyên bố Washington không công nhận cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga tại Crimea. Nữ đại sứ khẳng định Mỹ không bao giờ công nhận Crimea là một phần của Nga.
Bình luận (0)