Giới chức Mỹ vừa cho biết Farook và một người chưa rõ danh tính đã lên kế hoạch tấn công một mục tiêu vào năm 2012 nhưng không nêu chi tiết mức độ nghiêm trọng của âm mưu.
Một quan chức nói với đài CNN rằng Farook và đồng bọn không dám thực hiện cuộc tấn công do một vài vụ bắt giữ trong khu vực làm họ “hoảng sợ”.
Cặp đôi Syed Rizwan Farook và Tashfeen Malik. Ảnh: Reuters
Thông tin về âm mưu trước đó của Farook được tiết lộ giữa lúc khi giới chức trách điều tra khả năng vợ của y, Tashfeen Malik, là người được đưa đến Mỹ để "nằm vùng".
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết cả Farook và Malik đã bị cực đoan hóa trước khi kết hôn năm 2014.
Malik đã bị cực đoan trước khi đến Mỹ và cuộc điều tra trước đó chỉ ra rằng thị đã làm chồng mình trở nên cực đoan từ 2 năm trước. Ông James Comey, giám đốc FBI, cho biết cặp đôi này đã nói về thánh chiến và tử vì đạo khi tham gia một dịch vụ hẹn hò qua mạng vào cuối năm 2013.
FBI nói thêm cặp đôi đã được truyền cảm hứng từ các tổ chức khủng bố nước ngoài nhưng chưa có bằng chứng cho thấy có nhóm cực đoan nào tài trợ cho họ.
Cả hai được cho là đã lên kế hoạch cuộc tấn công làm thiệt mạng 14 người ở TP San Bernardino từ ít nhất 1 năm trước. Trong thời gian này, cặp đôi này rèn luyện kỹ năng bắn súng và lên kế hoạch tài chính cho gia đình trong trường hợp họ bỏ mạng.
Số vũ khí cặp đôi sử dụng trong cuộc xả súng. Ảnh: San Bernardino County Sheriff's department
Cuộc điều tra đang được mở rộng theo hướng liệu có bất kỳ ai hỗ trợ và trang bị vũ khí cho họ hay không. Trước khi gây án 2 tuần, Farook đã vay 28.500 USD thông qua một người trên mạng và có thể y đã dùng số tiền này mua vũ khí sử dụng trong vụ thảm sát. Ngoài ra, có ít nhất 3 đợt chuyển 5.000 USD cho mẹ của Farook.
Cuộc điều tra cũng tìm hiểu xem liệu gia đình của Malik ở nước ngoài có bị cực đoan hay không.
Một quan chức Mỹ cho biết cách tuyển mộ “số một” của các tổ chức khủng bố là thông qua gia đình, theo sau là tận dụng mạng Internet là cách phổ biến thứ 2.
Bình luận (0)