Trung Quốc đang mượn tay gián điệp công nghiệp và kinh tế do nhà nước bảo trợ để đoạt lấy các công nghệ có thể giúp tăng tốc chương trình hiện đại hóa quân đội và giảm sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất vũ khí nước ngoài - Lầu Năm Góc cho biết hôm 6-5.
Tăng cường chiến tranh mạng
Trong bản báo cáo thường niên dài 83 trang trình quốc hội, Lầu Năm Góc liệt kê một danh sách dài các phương pháp hỗ trợ phát triển quân sự của Trung Quốc, bao gồm gián điệp công nghiệp, lấy trộm bí mật thương mại, chuyển giao công nghệ... Ngoài ra, Trung Quốc còn “nuôi” một mạng lưới công ty và nhóm nghiên cứu giúp nước này tiếp cận các công nghệ nhạy cảm.
Trung Quốc tuyên bố báo cáo của Lầu Năm Góc không có lợi cho hợp tác song phương.
Trong ảnh: Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey (trái) và Tổng Tham mưu
trưởng quân đội Trung Quốc Phòng Phong Huy. Ảnh: US PACIFIC COMMAND
Trong hoạt động gián điệp công nghiệp, Bộ Quốc phòng Mỹ đặc biệt cáo buộc chính phủ và quân đội Trung Quốc liên tục tiến hành các chiến dịch tin tặc trong năm 2012, tấn công các mạng máy tính của chính phủ Mỹ cũng như nhiều nhà thầu quân sự như Lockheed Martin hòng thu thập thông tin về chính sách đối ngoại, các kế hoạch quân sự và cả các quan chức chính phủ Mỹ.
Những thông tin này sẽ hỗ trợ các nhà hoạch định chiến lược quân đội Trung Quốc “xây dựng bức tranh về các mạng lưới quốc phòng, hậu cần và những năng lực quân sự có thể được sử dụng trong tình huống xảy ra khủng hoảng” - báo cáo viết.
Trước đây, Mỹ nhiều lần tố cáo hoạt động gián điệp mạng từ Trung Quốc nhưng đây là lần đầu tiên Lầu Năm Góc chỉ đích danh chính phủ và quân đội Trung Quốc nhúng tay vào hoạt động này.
Dốc tiền phát triển vũ khí tấn công
“Không hề có dấu hiệu chậm lại trong việc xây dựng quân đội Trung Quốc” - ông David Helvey, phó trợ lý của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á, nhấn mạnh. Theo báo cáo trên, Bắc Kinh đang đều đặn tăng cường lực lượng, trong đó dốc tiền của cho tên lửa đối hạm, vệ tinh viễn thám, tàu sân bay mới và các máy bay chiến đấu tàng hình. Cụ thể, các loại tên lửa và vũ khí tấn công “có thể triển khai ở Tây Thái Bình Dương”, nơi Bắc Kinh có nhiều tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải, đang được ưu tiên.
Lầu Năm Góc đặc biệt lo ngại về tên lửa đạn đạo đối hạm DF-21D cũng như các loại vũ khí khác có thể tấn công các tàu khu trục và tàu sân bay từ khoảng cách xa. Ngoài ra, đơn vị Pháo binh số 2 chịu trách nhiệm quản lý kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc hoạt động rất tích cực gần đây. “Đơn vị này đang phát triển và thử nghiệm nhiều loại tên lửa tấn công mới song song với nâng cấp các hệ thống cũ” - báo cáo viết.
“Điều khiến tôi lo ngại là mức độ hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc diễn ra thiếu công khai và minh bạch” - ông David Helvey phát biểu. Theo ông, Trung Quốc công khai chi tiêu quốc phòng tăng gần 10%/năm trong suốt thập kỷ qua nhưng chi phí thực sự có thể cao hơn nhiều. Chỉ tính riêng năm 2012,
Trung Quốc công bố chi tiêu quốc phòng là 106 tỉ USD nhưng thực tế, con số đó nằm trong khoảng 135-215 tỉ USD. Tháng 3 năm nay, Trung Quốc thông báo tăng 10,7% trong chi tiêu quốc phòng năm lên 114 tỉ USD.
Trung Quốc nói Mỹ “thổi phồng mối đe dọa”
Bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố cáo buộc Bắc Kinh tấn công mạng Bộ Quốc phòng Mỹ là “vô căn cứ”.
Trong cuộc họp báo ngày 7-5, bà Hoa nói: “Bộ Quốc phòng Mỹ không ngừng có những bình luận vô trách nhiệm về sự phát triển bình thường và chính đáng của Trung Quốc, đã vậy còn thổi phồng cái gọi là mối đe dọa quân sự Trung Quốc. Điều này không có lợi cho sự hợp tác và tin tưởng giữa 2 nước. Chúng tôi kiên quyết phản đối”. Theo bà Hoa, Trung Quốc củng cố quốc phòng chủ yếu nhằm “bảo vệ độc lập và chủ quyền quốc gia”. |
Bình luận (0)