Một ngày sau khi cho máy bay do thám đến gần những đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Lầu Năm Góc hôm 21-5 tuyên bố vẫn tiếp tục tuần tra ở biển Đông bất chấp Bắc Kinh gọi hành động này là “vô trách nhiệm và nguy hiểm”.
Bước đi kế tiếp
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Steven Warren cho biết các máy bay do thám, tàu hải quân Mỹ hiện vẫn giữ khoảng cách với khu vực nói trên nhưng bước đi tiếp theo sẽ là thách thức tuyên bố chủ quyền sai trái của Trung Quốc tại đó. Điều này có nghĩa là máy bay và tàu hải quân Mỹ sẽ đi vào vùng biển trong phạm vi 12 hải lý tính từ các đảo nhân tạo nói trên.
Cùng lập trường trên, ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á, cảnh báo Trung Quốc không nên đối đầu với các cuộc tuần tra của máy bay Mỹ. “Những ai có suy nghĩ đúng sẽ không tìm cách ngăn chặn Hải quân Mỹ hoạt động” - ông Russel tuyên bố. Theo đài Fox News, nhà ngoại giao này nói thêm Mỹ sẽ tìm cách bảo đảm quyền tự do hàng hải và hàng không của mọi quốc gia.
Máy bay do thám P-8A Poseidon của Mỹ ghi nhận hoạt động cải tạo đất trái phép
của Trung Quốc ở biển Đông hôm 20-5 Ảnh: US NAVY
Cũng trong ngày 21-5, Hải quân Mỹ lần đầu tiên công bố hình ảnh và video về chuyến bay của chiếc P-8A Poseidon, bị Trung Quốc cảnh báo 8 lần hôm 20-5, qua đó cho thấy hoạt động cải tạo và xây dựng trái phép của Bắc Kinh ở biển Đông.
Báo Los Angeles Times (Mỹ) nhận định chuyến tuần tra chứng tỏ quân đội Mỹ bắt đầu công khai thách thức hành động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc cũng như thể hiện quan điểm Washington không chấp nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với khu vực này. “Đây là hành động có tính toán của Mỹ nhằm chứng tỏ sự nguy hiểm mà các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây gây ra” - chuyên gia Mira Rapp Hooper của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nói với Los Angeles Times.
Ngay lập tức, Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, kêu gọi Washington tiếp tục công bố thêm tài liệu tình báo để dư luận thấy rõ mức độ cải tạo đất của Trung Quốc ở biển Đông. “Những đoạn video này cho thấy rõ ràng về mức độ đáng báo động của Bắc Kinh trong việc củng cố yêu sách chủ quyền” - ông McCain nói.
Không dừng ở đó, ông McCain cùng 2 thượng nghị sĩ Brian Schatz, Dan Sullivan trình dự thảo nghị quyết lên án các hành động xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp của Trung Quốc. Một tuyên bố chung của 3 thượng nghị sĩ chỉ trích hành động trên đã vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời đe dọa phá hoại sự ổn định ở khu vực.
“Xích tử thần” sẽ chết yểu
Ngoài Mỹ, nhiều nước khác cũng chỉ trích mạnh mẽ. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Úc Kevin Andrews hôm 22-5 nói nước này phản đối việc lập bất kỳ căn cứ quân sự trên đảo nhân tạo ở biển Đông. Ngoài ra, Úc còn phản đối bất kỳ “hành động đơn phương hoặc cưỡng ép” nào ở biển Đông hoặc biển Hoa Đông.
Trước đó một ngày, Philippines khẳng định máy bay của Manila vẫn sẽ tiếp tục hoạt động trên khu vực mà Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố chủ quyền. Theo Bộ trưởng Bộ Truyền thông Philippines Herminio Coloma Jr., việc hải quân Trung Quốc dọa máy bay tuần tra Mỹ càng nêu bật tình hình căng thẳng do hoạt động cải tạo đất trái phép của Bắc Kinh.
Nhận định về những bước đi hiện nay của Trung Quốc ở biển Đông, tạp chí The Week (Mỹ) cho rằng Bắc Kinh đang xây dựng một loạt tiền đồn trên các đảo và bãi cạn chiếm đóng bất hợp pháp ở biển Đông, tạo điều kiện hoạt động cho máy bay có người lái và không người lái, vệ tinh do thám, tàu nổi và tàu ngầm.
Các tiền đồn quân sự này nằm trong một phần kế hoạch xây dựng “xích tử thần” nhằm giúp Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự trên biển Đông, qua đó củng cố yêu sách chủ quyền phi lý. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, “xích tử thần” của Trung Quốc có thể xác định vị trí và theo dõi tàu đối phương, đặc biệt là tàu sân bay, sau đó tấn công và đánh chìm.
Tuy nhiên, theo The Week, các tiền đồn này sẽ tồn tại rất ngắn ngủi, chỉ tính bằng ngày nếu không muốn nói là giờ, nếu thực sự xảy ra xung đột. Máy bay đối phương có thể dễ dàng xác định vị trí của hòn đảo để đánh bom trong khi nó không có khả năng di chuyển như tàu chiến hoặc tàu sân bay. Ngay cả tàu ngầm tên lửa hành trình lớp Ohio USS Michigan, đang hoạt động trong hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, cũng thừa khả năng phá hủy căn cứ không quân trên Đá Chữ Thập trong vòng vài phút bằng tên lửa Tomahawk.
“Kéo gần quan hệ Mỹ - Việt”
Hãng tin Bloomberg ngày 22-5 dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cho biết các hành động bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông đã kéo gần quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với truyền thông phương Tây kể từ khi nhậm chức vào tháng 12-2014, ông Osius nói Mỹ và Việt Nam từng là kẻ thù nhưng giờ đây không chỉ bình thường hóa quan hệ mà còn tiến hành nhiều cuộc đàm phán cấp cao, nhất là về việc giải quyết căng thẳng với Trung Quốc.
Cả Mỹ và Việt Nam đều xem những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông là mối đe dọa với lợi ích chiến lược của mình. Nhận định về khả năng xung đột trên biển Đông trước những động thái hung hăng của Trung Quốc, ông Osius cho rằng “việc này không nhất định phải kết thúc bằng xung đột. Có rất nhiều cách để tránh kết cục này. Cách chúng tôi muốn làm là thông qua áp lực ngoại giao”.
Cũng theo ông Osius, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter dự kiến thăm Việt Nam vào cuối tháng 5 để thảo luận về các chương trình thúc đẩy hợp tác song phương, trong đó có hợp tác quân sự.
Huệ Bình
Bình luận (0)