Ngoại trưởng Mỹ John Kerry buộc tội Điện Kremlin đã bí mật gửi đặc vụ tới miền Đông Ukraine để kích động tình trạng bất ổn.
Ông Kerry nói với các nhà lập pháp Mỹ: “Tất cả những gì chúng ta chứng kiến trong vòng 48 giờ qua, từ hành động khiêu khích và sự hiện diện của đặc vụ Moscow tại miền Đông Ukraine, cho thấy Nga cố tình gây ra cuộc khủng hoảng đòi ly khai ở khu vực này”.
Tổng tham mưu trưởng NATO Anders Fogh Rasmussen cũng nhấn mạnh “chính quyền Moscow sẽ vấp phải một sai lầm lịch sử nếu tiếp tục can thiệp sâu vào Ukraine”.
Dù vậy, một cuộc đàm phán 4 bên với sự tham gia của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Bộ Ngoại giao Mỹ, EU và Ukraine dự kiến sẽ diễn ra ở châu Âu vào tuần tới, ông Kerry cho biết.
Trong khi đó, tình hình căng thẳng ở Đông Ukraine tiếp tục gia tăng theo chiều hướng phức tạp. Cơ quan an ninh quốc gia Ukraine thông báo hôm 8-4 rằng những người biểu tình thân Nga đã đặt thuốc nổ ở một tòa nhà thuộc trung tâm thành phố Lugansk và bắt giữ 60 người làm con tin.
Hàng trăm người biểu tình ủng hộ Nga vẫn ẩn náu bên trong trung tâm hành chính Donetsk một ngày sau khi tuyên bố chủ quyền thành lập “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” và yêu cầu một cuộc trưng cầu dân ý phải được tổ chức trước ngày 11-5.
Trong một diễn biến khác, Lầu Năm Góc cho biết hành động sáp nhập Crimea vào Nga có thể thay đổi sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực châu Âu, vốn giảm dần từ thời chiến tranh lạnh.
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Derek Chollet nhận định: “Washington không định đối đầu với Moscow nhưng động thái của Nga gần đây khiến Mỹ phải xem xét kế hoạch triển khai lực lượng và đẩy mạnh chương trình huấn luyện quân sự tại khu vực này”.
Tuy nhiên, ông Chollet không cho biết cụ thể quá trình thực hiện vào thời điểm Lầu Năm Góc đang phải đối mặt với cắt giảm ngân sách và bổ sung một phần quân đội tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Hiện Washington đang đồn trú khoảng 67.000 quân ở châu Âu, chủ yếu là ở Đức (40.000), Ý (11.000) và Anh (9.500).
Bình luận (0)