Phóng viên Omar Villafranca của đài CBS chụp được bức ảnh những con kiến lửa tụ lại thành một "hòn đảo nhỏ" nổi trên mặt nước tại TP Houston. Sau khi đăng tải lên mạng xã hội Twitter hôm 28-8 (giờ địa phương), bức ảnh được chia sẻ hơn 5.000 lần.
Nhà chức trách địa phương khuyến cáo mọi người cẩn thận khi nhìn thấy những "đảo kiến lửa" kiểu này. "Đừng tiếp xúc với chúng. Nếu bạn đang ở trên một chiếc thuyền, đừng lấy mái chèo chọc vào đám kiến lửa vì chúng có thể bò lên thuyền. Thỉnh thoảng, người ta nhìn thấy kiến lửa trong các công trình xây dựng bị ngập lụt" – chuyên gia hỗ trợ khuyến nông ở bang Texas Paul Nester cho biết.
"Đảo kiến lửa" nổi trên dòng nước lũ. Ảnh: TWITTER
"Bãi" kiến lửa trôi nổi ở TP Cuero, bang Texas được chụp lại hôm 29-8. Ảnh: Twitter
Chuyên gia này cũng gợi ý trang phục phù hợp dành cho người dân khi sinh hoạt trong điều kiện mưa bão: "Găng tay, ủng cao su, thiết bị làm việc dưới mưa giúp ngăn chặn kiến lửa tiếp xúc với da. Nếu kiến lửa bò lên người, hãy giết chúng bằng cách cọ xát bởi dùng nước càng khiến chúng bám chặt vào da, thậm chí phun nước áp suất cao cũng không thể loại bỏ được chúng. Một loại thuốc xịt bằng dung dịch rửa chén có thể làm kiến lửa bất động và chết chìm".
Năm 2015, một số "đảo kiến lửa" từng được nhìn thấy trong trận lụt ở hạt Greenville, bang Nam Carolina. Đầu năm nay, cư dân ở Alabama cũng nhận được cảnh báo về kiến lửa sau khi bão Cindy đổ bộ vào tiểu bang này.
"Đảo kiến lửa" có thể bao gồm tới 100.000 con kiến. Chúng dùng cơ thể không thấm nước kết nối với nhau xung quanh kiến chúa để đi tìm chỗ khô ráo làm tổ mới. Đặc biệt, những con kiến dưới đáy "đảo" không hy sinh như bạn tưởng, chúng vẫn sống nhờ vào một hệ thống túi khí lấy oxy từ không khí, xuyên qua các ống khí vào cơ thể. Đây cũng là cách mọi côn trùng hít thở.
"Tất cả côn trùng đều nổi được. Kiến lửa có thể sống sót qua bão lớn" - GS Jim Hardie thuộc Trung tâm Nghiên cứu sâu bọ Hoàng gia Anh nói với đài BBC. Theo ông, kiến lửa sống được nhiều tuần trước khi tìm được nguồn thức ăn mới. Chúng ăn ấu trùng kiến để tồn tại.
Đường cao tốc liên bang số 45 ở TP Houston bị ngập nặng. Ảnh: REUTERS
Ảnh: THE WASHINGTON POST
Ảnh: Reuters
Houston đang trở thành một "hòn đảo" thay vì khu đô thị sầm uất. Ảnh: Reuters
Tính đến tối 29-8 (giờ địa phương), bão Harvey bắt đầu di chuyển ra khỏi TP Houston và đổ bộ ở bang Lousiana vào ngày 30-8. Với lượng mưa hơn 130 cm trong vòng 4 ngày, Houston đang trở thành một "hòn đảo" thay vì khu đô thị sầm uất. Nước ngập lênh láng khắp mọi nơi. Tàu và máy bay trực thăng vẫn tích cực sơ tán những người mắc kẹt tới nơi an toàn.
Theo hãng tin AP, nhà chức trách xác nhận hơn 13.000 người đã được giải cứu khỏi lũ lụt nhưng con số thực tế chưa được xác định. Các cơ quan liên bang ước tính khoảng 30.000 người có thể phải rời khỏi nhà ở Texas và một số bang lân cận.
Thị trưởng TP Houston đã áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm trong bối cảnh ít nhất 30 người thiệt mạng hoặc nghi thiệt mạng do bão Harvey, báo The New York Times cho hay.
Tổng thống Donald Trump đã bay tới bang Texas trong ngày 29-8. Nhà lãnh đạo Mỹ đến thăm TP Corpus Christi - gần nơi bão Harvey đổ bộ. Bộ Lao động Mỹ cùng ngày thông báo sẽ hỗ trợ 10 triệu USD giúp dọn dẹp tàn dư sau bão ở bang Texas.
Sau khi Lực lượng Công binh Mỹ xả nước từ hai con đập Addicks và Barker ở TP Houston vào sông Buffalo Bayou, hơn 3.000 ngôi nhà xung quanh các hồ chứa đã bị ngập nước. Trên khắp Texas, ít nhất 14 nhà máy lọc dầu bị đóng cửa. Trong khi đó, Trung tâm hội nghị George R. Brown hiện tiếp nhận đến 10.000 người đi tránh bão, gấp đôi sức chứa 5.000 chỗ của trung tâm này.
Đường liên bang 10 nối Houston và Beaumont lúc bình thường... Ảnh: Storyfun
...và sau khi bị nước lũ biến thành sông hôm 29-8. Ảnh: Storyfun
Đường liên bang 10 nhìn từ trên cao. Ảnh: AP
Bình luận (0)