Mỹ không nói rõ bao nhiêu chiếc F-22 Raptor được điều đi, chỉ cho biết chúng xuất phát từ căn cứ Kadena ở Okinawa (Nhật Bản) đến Osan, căn cứ chính của Không quân Mỹ tại Hàn Quốc, để tham gia cuộc tập trận “Đại bàng non” đang diễn ra.
Động thái này, theo chỉ huy quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, là để “Triều Tiên tự kiềm chế”. Thông cáo của lực lượng này nêu rõ: “Triều Tiên sẽ chẳng nhận được gì từ những lời đe dọa hay hành động khiêu chiến, có chăng chỉ là sự tự cô lập hơn nữa và làm xói mòn các nỗ lực quốc tế nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á”.
Trước F-22, Washington đã lần lượt điều “pháo đài bay” B-52 và máy bay ném bom tàng hình B-2 đem lời cam kết bảo vệ đồng minh đến Hàn Quốc.
Chiến đấu cơ tàng hình F-22 cũng đã có mặt tại Hàn Quốc. Ảnh: Reuters
Bình Nhưỡng đáp trả bằng cách đưa tin nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un đã ký lệnh đặt các đơn vị tên lửa Triều Tiên vào tư thế sẵn sàng tấn công các căn cứ Mỹ ở Hàn Quốc và Thái Bình Dương cũng như lục địa Mỹ bất cứ lúc nào.
Đến ngày 30-3, Triều Tiên tuyên bố “tình trạng chiến tranh” với Hàn Quốc. Tuy nhiên, hãng tin RIA Novosti (Nga) cho rằng tuyên bố trên có thể đã bị dịch nhầm. Bản gốc chỉ nói rằng Triều Tiên “sẽ hành động theo luật thời chiến trong trường hợp những khiêu khích chống lại nước này có thể tiến triển thành cuộc chiến tranh quy mô toàn diện, thậm chí chiến tranh hạt nhân”.
Giới phân tích cho rằng với việc công khai triển khai các loại máy bay hiện đại Hàn Quốc, Washington có vẻ đang cố tình chọc tức một Bình Nhưỡng vốn dễ nổi cáu. “Chắc chắn là đã có yếu tố: thử một lần đánh nhau xem sao trong lập trường của Mỹ” - ông Paul Carroll, giám đốc chương trình tại quỹ Ploughshares - tổ chức nghiên cứu chính sách an ninh ở Mỹ, bình luận.
Ngoài ra, theo ông Bruce Klingner, một chuyên gia về Triều Tiên ở quỹ Heritage (Mỹ), cho rằng đang có nguy cơ “tính toán sai lầm” đặc biệt cao từ phía nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Theo ông Klingner, ông Kim đang lên tinh thần sau vụ phóng thử tên lửa và thử hạt nhân thành công, lại “biết rằng Seoul và Washington chưa bao giờ đáp trả trong những vụ tấn công gây chết người trước kia”. Tuy nhiên, lần này Hàn Quốc đã phát đi tín hiệu sẽ đáp trả và sự có mặt của B-52, B-2 và nay là F-22 cho thấy Mỹ ủng hộ lập trường đó.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng được Giáo hoàng Francis lưu ý. Trong buổi lễ Phục sinh đầu tiên do ông chủ trì ngày 31-3, giáo hoàng kêu gọi một giải pháp ngoại giao cho điểm nóng này. “Hòa bình ở châu Á, trên hết là ở bán đảo Triều Tiên: mong cho mọi bất đồng qua đi và tinh thần hòa giải được hồi sinh” – ông nói.
Bình luận (0)