Nhiều kế hoạch được đề xuất để lấy lại chiếc máy bay. Một trong số đó là phái một đội đặc nhiệm của Mỹ đang đóng tại Afghanistan hoặc sử dụng các đặc vụ của đồng minh đang ẩn náu bên trong Iran bí mật thu hồi máy bay.
Một lựa chọn khác là đội đặc nhiệm sẽ cho nổ tung những gì còn sót lại của máy bay. Cách thứ ba công khai hơn: không kích để xóa sổ mảnh vỡ máy bay.
Máy bay do thám tàng hình RQ-170 của Mỹ. Ảnh: ABC News
Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết các kế hoạch trên đã bị hủy bỏ do Mỹ nhận định không đáng mạo hiểm để gây xung đột nặng nề hơn với Tehran.
“Không ai hào hứng với các kế hoạch thu hồi hoặc tiêu hủy máy bay do khả năng bị Iran phát hiện rất lớn và nguy cơ xung đột tiềm ẩn cũng rất cao” – quan chức này nói. Hành động xâm nhập bí mật sẽ bị Iran xem là “hành động gây chiến”.
Cho đến nay, Tehran vẫn tuyên bố đã bắn rơi chiếc máy bay do thám không người lái RQ-170 Sentinel, nhưng phía Mỹ khẳng định trục trặc kỹ thuật mới là lý do làm máy bay mất kiểm soát và rơi xuống miền đông Iran.
Hôm qua, 6-12, Mỹ cũng thừa nhận chiếc máy bay trên đang thực hiện một nhiệm vụ bí mật cho Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) ở Afghanistan gần biên giới với Iran, nhưng phủ nhận nó bị Iran bắn hạ, kể cả bằng cách phá hoại qua vệ tinh hay bắn trực tiếp.
Sự dính líu của CIA trong vụ này khá trùng hợp với những suy đoán về một cuộc chiến tranh ngầm mà Mỹ và Israel đang tiến hành nhắm vào Iran.
Tuy tỏ vẻ lo ngại vì máy bay rơi vào tay Iran, nhưng nhiều quan chức Mỹ không tin rằng các công nghệ hiện đại của máy bay có thể bị phân tích dễ dàng.
Khả năng tàng hình của RQ-170 Sentinel dựa trên hình dáng và vật liệu. Ảnh: Wikipedia
Chuyên gia quốc phòng Mỹ Loren Thompson phân tích với hãng AP: “Đây là loại máy bay không người lái có thể bay rất cao. Nếu rơi xuống đất, nhiều khả năng nó sẽ vỡ thành hàng trăm mảnh”.
RQ-170 Sentinel có hình dáng tương tự máy bay ném bom tàng hình B2, giống như một đôi cánh khổng lồ. Nhờ hình dáng và vật liệu, RQ-170 Sentinel ít bị radar theo dấu, nhờ đó rất đắc dụng trong các nhiệm vụ nhạy cảm.
Các nhà phân tích cho biết công nghệ tàng hình nhờ thiết kế hình dáng khó theo dõi và sử dụng vật liệu đặc biệt khá phổ biến nhưng lại rất khó bắt chước. Chuyên gia John Pike của website Globalsecurity.org cho rằng Iran đã có dữ liệu về bề ngoài “không có gì độc đáo riêng biệt” của RQ-170 Sentinel.
Lần đầu tiên cất cánh từ căn cứ không quân Kandahar - Afghanistan năm 2007 nên RQ-170 Sentinel còn có biệt danh “Mãnh thú Kandahar”. Mỹ đã sử dụng “mãnh thú” này để theo dõi dinh thự của trùm khủng bố Osama Bin Laden ở Abbotabad - Pakistan, cả trước và trong khi cuộc đột kích diễn ra hồi tháng 5.
Bình luận (0)