Quyết định dỡ bỏ một phần cấm vận vũ khí được Ngoại trưởng John Kerry thông báo với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại cuộc gặp hôm 2-10 (giờ địa phương) ở Washington.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki giải thích với các phóng viên rằng Mỹ sẽ cho phép bán các loại khí tài sát thương nhằm đảm bảo an ninh hàng hải và do thám cho Việt Nam theo từng trường hợp cụ thể.
Các quan chức Mỹ cho hay trong số khí tài trên có thể bao gồm tàu và các vũ khí trên không, tùy theo nhu cầu của Việt Nam và mức độ cần thiết. Trang bị cho lực lượng tuần tra trên biển sẽ được chú trọng.
Động thái này nhằm hỗ trợ khả năng tự vệ của Việt Nam trên biển Đông, nơi gần đây chứng kiến căng thẳng gia tăng do các hành động gây hấn của Trung Quốc. Bà Psaki khẳng định quyết định của Mỹ không nhắm vào Trung Quốc. Tuy nhiên, theo AP, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ không hài lòng.
“Đây là bước đầu tiên rất quan trọng và sẽ tạo đà cho hợp tác trong tương lai. Những gì sửa đổi trong chính sách này cho phép chúng tôi hỗ trợ Việt Nam phát triển khả năng tự bảo vệ mình trong bối cảnh sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng tăng” - một quan chức Mỹ giấu tên nói với hãng tin Reuters.
Các quan chức Mỹ cũng khẳng định Washington không mong đợi bất kỳ phản ứng mạnh mẽ nào từ Trung Quốc trong việc Mỹ giúp đỡ Việt Nam nâng cao khả năng phòng thủ. Theo lời một quan chức, “đây không phải là một động thái chống Trung Quốc”.
Quan chức điều hành ngành công nghiệp Mỹ xem Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn cho các thiết bị của họ cũng như hỗ trợ chiến lược quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với Bộ Ngoại giao Mỹ, động thái hôm 2-10 là một phần của một nỗ lực rộng lớn hơn để giúp các nước trong khu vực tăng cường an ninh hàng hải.
Ngoài ra, bà Jen Psaki nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác an ninh với Việt Nam. Mỹ áp đặt lệnh cấm vận vũ khí chống Việt Nam từ năm 1984. Tuy nhiên, quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã được bình thường hóa trong hơn 20 năm qua.
Bình luận (0)