Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Caitlin Hayden hôm 29-8 cho biết Washington tiếp tục tham khảo ý kiến với Anh, song “Tổng thống Obama quyết định sẽ hành động nhằm đảm bảo lợi ích tối thượng cho Mỹ trong vấn đề Syria. Tổng thống tin rằng có những lợi ích cốt lõi của Mỹ đang bị đe dọa và những quốc gia vi phạm các chuẩn mực quốc tế liên quan đến vũ khí hóa học cần bị quy kết trách nhiệm".
Phản ứng trên được đưa ra sau khi Hạ viện Anh bác bỏ đề nghị can thiệp quân sự vào Syria của chính phủ nước này. Thủ tướng Anh Cameron phát biểu: “Quốc hội phản ánh quan điểm của người dân không muốn chứng kiến hành động quân sự của Anh. Tôi hiểu điều này và chính phủ sẽ có hành động thích hợp”.
Hạ viện Anh bác bỏ đề nghị của can thiệp quân sự vào Syria. Ảnh: EPA
Trong khi đó, các nguồn tin Israel ngày 29-8 lại cho rằng Mỹ dường như đang "câu giờ". Bằng chứng là việc trì hoãn công bố bằng chứng Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học với lý do "thông tin chưa sẵn sàng". Ngoài ra, giới chức thân cận với Tổng thống Obama phàn nàn ông đang bị mắc kẹt trong lịch công cán nước ngoài.
Theo đó, ông Obama dự kiến thăm Thụy Điển ngày 4-9, tham dự hội nghị cấp cao G-20 tại St. Petersburg - Nga ngày 5 và 6-9. Vì vậy, thời điểm tối ưu để ông Obama ra quyết định tấn công Syria có thể rơi vào đêm 30, rạng sáng 31-8 hoặc sau ngày 2-9. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cho biết ngày 31-8 sẽ nhận báo cáo của các chuyên gia về cáo buộc tấn công vũ khí hóa học ở Syria.
Các nguồn tin tại Washington và Moscow tiết lộ ông Obama có thể đang "hãm phanh" để Ngoại trưởng John Kerry kết thúc các cuộc đàm phán bí mật với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov nhằm có 1 thỏa thuận. Theo thỏa thuận này, Mỹ có thể chỉ tấn công Syria chiếu lệ, sau đó cùng với Nga thông báo tổ chức hội nghị Geneva 2 để bàn giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Syria.
Người dân phản đối tấn công quân sự Syria bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở London – Anh hôm 29-8. Ảnh: AP
Bên cạnh đó, các nhà phân tích cảnh báo Iran sẽ can thiệp nếu phương Tây thúc đẩy việc thay đổi chế độ tại Syria. Giáo sư chính trị học tại Trường ĐH Tehran, ông Sadeq Zibakalam, nhận định chính phủ mới ở Iran không muốn đối đầu trực tiếp với phương Tây trong vấn đề Syria. Tuy nhiên, Tehran có thể bị buộc phải can dự trực tiếp tại Syria để bảo vệ chế độ của Tổng thống Assad trước sức ép các cường quốc thế giới và khu vực như Mỹ, Anh và Ả Rập Saudi.
Bình luận (0)