Trong bài phát biểu trước các sinh viên Trường ĐH Chulalongkorn – Thái Lan hôm 26-1, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel kêu gọi chính quyền quân sự do Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đứng đầu nên bãi bỏ tình trạng thiết quân luật và thực hiện tiến trình chính trị toàn diện.
Dù tuyên bố Washington đứng trung lập, để người dân Thái Lan tự xác định tính hợp pháp của các quá trình chính trị và pháp lý nhưng ông Russel bày tỏ lo ngại quá trình chính trị hiện nay không đại diện cho toàn bộ thành phần và tầng lớp xã hội ở quốc gia này.
Ý kiến trên của ông Russel – quan chức cấp cao nhất của Washington đến Thái Lan sau cuộc đảo chính lật đổ cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra – ngay lập tức vấp phải sự phản đối của Bangkok.
Thứ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai phát biểu trước các phóng viên sau khi triệu tập đại biện lâm thời Mỹ tại Bangkok Patrick Murphy hôm 28-1: “Chúng tôi không tán thành nhận xét của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về chính trị tại Đại học Chulalongkorn. Nó làm nhiều người Thái tổn thương. Nếu chúng tôi tuân thủ đề nghị dỡ bỏ thiết quân luật và xảy ra vấn đề gì, ai sẽ chịu trách nhiệm? Thực tế, người dân Thái Lan còn không biết đang diễn ra tình trạng thiết quân luật”.
Trong khi đó, Thủ tướng Prayuth hy vọng quan hệ thương mại và kinh tế giữa Mỹ và Thái Lan sẽ không bị ảnh hưởng, đồng thời tỏ ra thất vọng vì Washington không hiểu được lý do quân đội Thái Lan phải can thiệp vào chính trường.
Thái Lan từng là đồng minh thân cận của Mỹ một thời gian dài cho tới khi Washington đóng băng viện trợ và hủy bỏ một số cam kết an ninh cũng như hạ cấp quan hệ ngoại giao, chủ yếu liên quan đến cuộc đảo chính quân sự.
Chính quyền Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cam kết trả lại bầu không khí dân chủ thông qua cải cách song những người chỉ trích cho rằng quân đội đã bóp nghẹt tự do ngôn luận.
Bình luận (0)